Nguồn ảnh: tinhanhchungkhoan

 
Thái Bình Thứ Tư | 06/05/2020 14:52

Chờ cú khuyến mãi đậm của giới khách sạn

Các khách sạn và resort cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu du lịch sắp tới.

Theo chia sẻ từ ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch và bây giờ là lúc đất nước đi vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Thị trường du lịch sẽ trở lại trong vài tháng tới.

Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, lúc này, các khách sạn và resort cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách nội địa. Ông chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng nhu cầu du lịch trong nước sẽ là thị trường chính trong vài tháng tới. Tuy nhiên, các khách sạn và resort cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này".

Ông nhấn mạnh thêm, trong số tất cả các phân khúc, khách sạn ngân sách thấp ghi nhận mức công suất tăng nhanh hơn so với những khách sạn có định vị cao hơn. Có thể, những chủ sở hữu trong thời gian tới, sẽ gặp nhiều khó khăn từ việc cạnh tranh. Vì vậy, việc thay đổi chính sách quảng bá, truyền thông rất cần thiết trong thời gian này. Các dịch vụ lưu trú và nhà hàng cần phát triển các chiến lược tiếp thị, quảng bá sáng tạo và ý nghĩa hơn trong khi các tổ chức tài chính, chủ sở hữu bất động sản cần tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi.

 

Trước đó, theo Savills Việt Nam, sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch. Sự sụt giảm đáng kể của lượng khách quốc tế cùng với sự sụt giảm thị trường khách nội địa, đã gây ra những tổn thất không nhỏ đến các khách sạn, nhà hàng, cũng như các địa điểm tổ chức hội nghị và sự kiện.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố trung tâm như TP.HCM và Hà Nội, mặc dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% (tại TP.HCM) và thậm chí ở mức cao hơn 60% (tại Hà Nội). 

Chia sẻ về sự phục hồi sau đại dịch, ông Mauro cho rằng, thị trường du lịch trong nước sẽ quay trở lại và sẽ theo 3 giai đoạn.

Hầu hết sẽ mở cửa lại vào tháng 5: Phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã đóng cửa nhưng hầu hết có kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 5 với các chương trình khuyến mãi để thu hút khách du lịch trong nước.

Các quốc gia kết nối: Sự trở lại của du khách nước ngoài khi lệnh cấm các chuyến bay được dỡ bỏ và các quốc gia kết nối được xem là an toàn. Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ là những quốc gia được ưu tiên mở lại do đây là những thị trường khách quốc tế chính của Việt Nam đồng thời cũng là những quốc gia có số ca nhiễm giảm đáng kể. 

Du lịch toàn cầu phục hồi trở lại: Khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn và ngành du lịch toàn cầu phục hồi trở lại về mức trước khi áp dụng các chính sách hạn chế du lịch do đại dịch COVID-19.

Ông Mauro cho biết, ông vẫn luôn có một cái nhìn tích cực về tương lai của ngành khách sạn ở Việt Nam và trên thực tế khi thấy đất nước cùng đoàn kết vượt qua đại dịch, quan điểm đó càng trở nên vững chắc hơn. Bên cạnh đó, với con người thân thiện, cảnh vật thiên nhiên phong phú, đều là những lợi thế lớn của Việt Nam sau đại dịch và càng khẳng định niềm tin của ông về sự phục hồi trong thời gian sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Bất động sản lên mạng mùa dịch

COVID-19 thay đổi bản đồ bất động sản công nghiệp