Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng cho mục đích tiêu dùng bất động sản đạt 1,75 triệu tỉ đồng, giảm 1,12% so với hồi đầu năm. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Tư | 22/11/2023 19:00

Chỉ chiếm khoảng 4% tổng GDP Việt Nam, tại sao bất động sản lại rất quan trọng?

Bất động sản là một trong những chủ thể đóng góp chính vào tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Nhu cầu vốn vay của ngành bất động sản đóng góp tỉ trọng lớn trong dư nợ tín dụng và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Shinhan, vì nhu cầu vốn vay lớn, ngành bất động sản là một trong những chủ thể đóng góp chính vào tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, trung bình chiếm 18,49% trong giai đoạn 2016-2022. Tính riêng 6 tháng 2023, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,73% so với cuối năm 2022, đạt 12,49 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,70 triệu tỉ đồng, chiếm 21,62% tổng dư nợ tín dụng, tương ứng đóng góp 21,33% tăng trưởng tổng dư nợ.

 

Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng cho mục đích tiêu dùng bất động sản chỉ đạt 1,75 triệu tỉ đồng, giảm 1,12% so với hồi đầu năm, đây là lần đầu tín dụng cho tiêu dùng bất động sản sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng dương. 

Theo Chứng khoán Shinhan, sự sụt giảm tín dụng cho mục đích tiêu dùng bất động sản cho thấy nhu cầu mua bất động sản đang yếu bởi nhiều yếu tố không thuận lợi như kinh tế ảm đạm tác động đến tâm lý, nhu cầu thị trường và nguồn cung sản phẩm chủ yếu ở phân khúc cao và trung cấp, trong khi nhu cầu mua ở thực nằm ở phân khúc bình dân.

Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành và 3 lần giảm trần lãi suất huy động. Điều này đã tạo điều kiện cho các Ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, vì điều kiện cho vay của các Ngân hàng vẫn chưa được nới lỏng đáng kể nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn ở trong tình trạng thiếu vốn vì không thỏa mãn điều kiện vay.

Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng truyền thống, các doanh nghiệp bất động sản cũng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp và là một trong hai chủ thể phát hành lớn nhất trên thị trường cùng với Ngân hàng. 

 

Trung bình trong giai đoạn 2018- 2022, bất động sản lần lượt chiếm tỉ trọng 31,4% và 24,5% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. 

Xét trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành bất động sản đã phát hành 55 nghìn tỉ đồng giá trị trái phiếu, chiếm 39,9% tổng giá trị trái phiếu phát hành toàn thị trường. 

Số liệu từ Chứng khoán Shinhan, giá trị ngành bất động sản chiếm trung bình 4,0% tổng GDP Việt Nam giai đoạn 2018 đến 9 tháng đầu năm 2023. “Tuy tỉ trọng không lớn, nhưng vì sự liên kết và tác động mật thiết đến đầu ra của các ngành khác trong chuỗi giá trị như xây dựng (5,7% GDP) hay tài chính ngân hàng (4,5% GDP) nên thực tế ngành bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam”, Chứng khoán Shinhan nhận định. 

Xét về quy mô trên thị trường chứng khoán, bất động sản hiện là nhóm ngành đứng thứ 2 xét về tỉ trọng vốn hóa, đạt hơn 1 triệu tỉ đồng tại thời điểm tháng 9/2023, tương ứng 16% tổng vốn hóa ba sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCoM, chỉ xếp sau nhóm ngân hàng (29% vốn hóa). 

Tuy nhiên, các chuyên gia của VinaCapital lại cho rằng phát triển bất động sản chỉ đóng góp một phần nhỏ vào GDP của Việt Nam, vì vậy: 1) Lĩnh vực phát triển bất động sản chậm không phải là yếu tố chính làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay (vì tốc độ phát triển bất động sản đã chậm lại kể từ năm ngoái) và 2) Lĩnh vực bất động sản trì trệ có ít tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn so với Trung Quốc, bởi vì phát triển bất động sản chiếm một phần lớn trong nền kinh tế của quốc gia đó.

Có thể bạn quan tâm 

Mùa sales bất động sản