Dự kiến đến năm 2025, khoảng 10% tòa nhà văn phòng sẽ đạt tiêu chuẩn xanh. Ảnh: shutterstock.com.

 
Hà Cúc Thứ Tư | 06/11/2024 14:00

Chắt chiu khí thải

Ngành xây dựng đang chạy đua với thời hạn kiểm kê khí thải nhà kính với kỳ vọng mở ra chu kỳ hoạt động mới: xanh hơn và ít ô nhiễm hơn.

Coteccons đang trong quá trình hồi phục sau chuỗi khó khăn của ngành xây dựng. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực tìm dự án mới, tối ưu tài chính, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng mà công ty này thực hiện là kiểm kê khí thải nhà kính. Hoạt động này được đưa đến từng công trường, tính toán được từng km xe đưa đón nhân viên, rồi cả xe vận chuyển sắt thép, xi măng… tạo ra bao nhiêu khí thải.

Giờ G kiểm kê

“Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính trong hệ thống sản xuất và kinh doanh phải thật chính xác mới đưa vào tính toán được. Đối với Coteccons, công việc này đòi hỏi việc tập hợp một hệ thống dữ liệu nhất quán từ hơn 60 công trường trên khắp cả nước, với các chu kỳ hoạt động khác nhau…”, bà Nguyễn Trình Thùy Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết. 

 

Kiểm kê khí nhà kính đang đến giờ G đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng như Coteccons. Theo quy định, có hơn 2.000 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, trong đó có 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng. Những doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính lần này cũng chính là những doanh nghiệp đang để lại dấu chân carbon lớn nhất trong nền kinh tế.

Ở Việt Nam, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon. Theo đó, những doanh nghiệp đến năm 2050 phát thải trên 1.500 tấn CO2/năm sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải.

Điều này thực sự đáng quan tâm vì theo thống kê trong giai đoạn 2014-2020, lượng phát thải từ sản xuất vật liệu xây dựng đã gia tăng từ 60,33 triệu tấn lên 95,95 triệu tấn, trong khi lượng phát thải từ tiêu thụ điện trong tòa nhà cũng tăng mạnh từ 38,01 triệu tấn lên 61,72 triệu tấn. Điều này đặt ra áp lực lớn cho ngành trong triển khai các giải pháp giảm phát thải hiệu quả.

Ông Trần Phương, Trưởng phòng Công trình xanh và Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Kết cấu thép và Xây dựng, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 27% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và 43,5% nếu có nguồn hỗ trợ đóng góp của cộng đồng quốc tế.
 Mục tiêu đến năm 2030 ngành xây dựng phải giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương trong 3 lĩnh vực chính: quá trình công nghiệp; tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; và vận hành tòa nhà. Cụ thể, trong ngành xi măng sẽ sử dụng một số nguyên liệu thay thế như xỉ lò cao. Còn với công trình xây dựng sẽ sử dụng điều hòa, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao… 

Khoản đầu tư đáng tiền 

Trong chiến lược giảm khí nhà kính trong các công trình xây dựng xác định phát triển công trình xanh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên, bởi đây là yếu tố đóng góp lớn trong giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thân thiện… 

Ông Vũ Linh Quang, thành viên Ban Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, cho biết hiện có gần 500 tòa nhà, công trình với tổng diện tích gần 11,5 triệu m² đạt các chứng nhận xanh, phổ biến là chứng chỉ EDGE (tỉ lệ theo dự án là 44%), LEED (37%) và Green Mark (11%). Xu hướng xây dựng những công trình xanh tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn sôi động với đa dạng các phân khúc công trình đang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam. 

 

Sự gia nhập của e.town 6 mới đây với mục tiêu đạt chứng nhận LEED Platinum, hay sắp tới là Marina Central Tower (quý II/2025) với LEED Gold cho thấy cuộc đua xanh hóa trên thị trường xây dựng TP.HCM không chỉ gia tăng về số lượng dự án mà còn mở rộng theo phạm vi địa lý. Dự kiến đến năm 2025, khoảng 10% tòa nhà văn phòng sẽ đạt tiêu chuẩn xanh.

Hiện nay, trên thế giới đã có các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính như bộ tiêu chuẩn ISO 14064 hoặc tiêu chuẩn ISO 14067 về định lượng dấu chân carbon, ISO 14068 về trung hòa carbon… Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) cho biết khi có được con số toàn diện về lượng phát thải của mình và có cơ sở để định lượng dấu chân carbon chính xác, tin cậy hơn sẽ làm cơ sở cho việc tham gia trao đổi tín chỉ carbon sau này.

“Một thách thức lớn trong công tác kiểm kê khí nhà kính của Coteccons là việc đo lường phát thải phạm vi 3 (Scope 3) từ các nguyên vật liệu phục vụ xây dựng. Khó khăn này chủ yếu đến từ việc thiếu dữ liệu tin cậy từ nhà cung cấp và tính đa dạng trong chất lượng, loại hình của cùng một loại sản phẩm”, đại diện Coteccons cho biết. 

Công ty xây dựng này hướng tới sử dụng nhiều hơn các nguyên liệu có phát thải carbon thấp và những sản phẩm đã có chứng nhận về khai báo tác động môi trường (LCA, EPD). Đây không chỉ là biện pháp giảm phát thải carbon hiệu quả mà còn giúp Coteccons dễ dàng quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính toán lượng carbon chỉ để tuân thủ các quy định quốc tế hoặc trong nước, nhưng một số doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng gia tăng lợi thế cạnh tranh từ các hành động về khí hậu. Những lợi ích này bao gồm từ tiết kiệm chi phí, gia nhập những thị trường mới và nâng cao giá trị sản phẩm, cắt giảm chi phí vốn. Đặc biệt, những dòng vốn hướng tới tăng trưởng xanh và giảm thiểu tác động khí hậu sẽ mang lại lợi ích cho các công ty có thành tích giảm phát thải rõ ràng với chi phí vốn thấp hơn. 

Chẳng hạn, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, cho rằng chi phí đầu tư ban đầu cho một tòa nhà xanh cao hơn khoảng 4-6% so với tòa nhà thông thường. Mức này có thể giảm xuống dưới 4% vào năm 2030 khi công nghệ phát triển hơn. “Đây là một mức hoàn toàn có thể chấp nhận được so với giá trị mang lại của một tòa nhà xanh”, ông Lâm nói. 

Có thể bạn quan tâm 

Tổng dư nợ tín dụng bất động sản lên đến 3,15 triệu tỉ đồng