Giá đất nông nghiệp tại nhiều địa phương đã tăng từ 5 - 7 lần trong vòng 4 năm qua. Ảnh: Đại Việt.

 
Đại Việt Thứ Tư | 07/09/2022 16:00

Chấn chỉnh hành vi “thổi giá” bất động sản

Nhiều cò đất, môi giới bất động sản không chuyên liên tục “thổi giá” để trục lợi khiến giá đất tại nhiều địa phương tăng chóng mặt.

Đầu tháng 9/2022, trong vai người mua đất, chúng tôi có mặt tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Một môi giới tên Khánh dẫn chúng tôi xem một mảnh đất rộng 400 m2 có giá 220 triệu đồng. Thế nhưng, ngay hôm sau, một cò đất khác đã đăng thông tin về mảnh đất này với giá bán lên tới 300 triệu đồng.

Như vậy, chỉ sau một đêm, cò đất đã “thổi giá” lên 80 triệu đồng để hưởng tiền chênh lệch. Tình trạng thổi giá đất không chỉ diễn ra ở Phú Yên mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Lắk gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian dài.

Môi giới phân lô và chào khách mua đất nông nghiệp. Ảnh: Thăng Long.
Môi giới phân lô và chào khách mua đất. Ảnh: Thăng Long.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết môi giới đưa thông tin không đúng sự thật như “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu hình ảnh người môi giới trong mắt người khác. Việc đưa thông tin không đúng là một trong những nguyên nhân tạo ra những cơn sốt đất ở nhiều nơi trong thời gian qua. Nhiều dự án được phân lô, bán nền không đúng quy định nhưng vẫn được môi giới quảng cáo, chào mời khách rầm rộ.

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Những môi giới không chuyên, không được quản lý sẽ tạo ra các hoạt động thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng loạn thị trường.

Ông Đính cảnh báo, nhà đầu tư và người dân cần hết sức cẩn trọng trước những chiêu trò mới, tinh vi của môi giới bất động sản “dỏm”. Nhiều khu vực không có người mua, không có giao dịch nhưng môi giới vẫn tạo sóng ảo, đăng thông tin khách chốt liên tục để người mua hiểu lầm. Nhà đầu tư cũng cần cẩn thận đối với chiêu trò tự phân lô những khu đất rừng, đất nông nghiệp rồi sau đó giao dịch.

“Những quy định mới của Chính phủ sẽ siết chặt hoạt động của môi giới bất động sản. Thời gian tới, nạn môi giới dỏm, đưa thông tin sai sự thật sẽ giảm đi khi những quy định pháp lý được vận dụng mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn và có chế tài mạnh tay hơn”, ông Đính khẳng định.

Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh hành vi “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Ảnh: Đại Việt.
Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh hành vi “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Ảnh: Đại Việt.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong Chỉ thị 13/CT-TTg, Chính phủ nhận định, sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trong thời gian quan vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình như giá nhà còn cao so với thu nhập người dân, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bất động sản chưa đồng bộ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch.

Chính phủ yêu cầu ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được cấp phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. Chấn chỉnh hành vi “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nếu trên, Chính phủ yêu cầu rà soát lại các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả. Đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý. Đẩy mạnh việc phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực mới cho thị trường phát triển.

Chính phủ cũng yêu cầu đánh giá cụ thể, chính xác tình hình cung – cầu của bất động sản công nghiệp, nhà ở công nhân, nhà dành cho người thu nhập thấp. Tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường. Không hợp thức hóa sai phạm nhưng đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân để có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra. Công khai minh bạch các thông tin quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp.

Có thể bạn quan tâm:

“Săn” nhà cho con học đại học