CBRE Việt Nam: Khách sạn nào cũng có nhu cầu bán
Theo ông Cheneval, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm tới thị trường khách sạn, đặc biệt là ở TPHCM. Đối với thị trường Hà Nội, mối quan tâm này còn hạn chế, trước mắt do dư cung nên diễn biến sẽ không có nhiều biến động trong thời gian gần đây.
"Đa phần khách sạn Hà Nội đều có công suất và giá cho thuê giảm. Bên cạnh đó, các khách sạn cũng có nhu cầu lớn về vốn để nâng cấp do đó muốn thu hút cả nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Cheneval nhận định.
Theo báo cáo của CBRE, trong 6 tháng đầu năm 2013, công suất thuê toàn thị trường khoảng 57%, giảm 0,6% theo quý, tăng nhẹ 0,3% theo năm. Công suất thuê giảm trên tất cẳ các phân khúc 3 - 5 sao. Khách sạn 3 sao giảm 1,4% theo quý, tuy nhiên khách sạn 4 sao có công suất tăng 2,5% theo năm.
Giá thuê phòng trung bình của toàn thị trường khoảng 73 USD/phòng/đêm, giảm 3,5% theo quý và giảm 5,1% theo năm. Chỉ có phân khúc 4 sao có giá thuê trung bình tăng, đạt khoảng 62 USD /phòng /đêm, tăng 0,2% theo quý và 0,4% theo năm. Phân khúc 5 sao giảm 4,4% theo năm và giảm 7,1% theo quý, đạt 98 USD/phòng/đêm.
Diễn biến xấu về giá thuê và công suất thuê dẫn đến doanh thu phòng trung bình (RevPar) giảm tại tất cả các phân khúc. RevPar đạt khoảng 41 USD/phòng/đêm, giảm 4,4% so với quý trước, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo CBRE, nửa cuối năm 2013, tổng cung thị trường khách sạn Hà Nội có khả năng đạt khoảng 9.840 phòng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai dự án lớn nhất gia nhập thị trường là Intercontinental Hanoi Landmark (359 phòng) và JW Marriot (450 phòng).
Về nguồn cầu, ngành du lịch Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh bằng một số quốc gia trong khu vực. Ví dụ minh chứng như giá tour 4 ngày 3 đêm đi Campuchia chỉ khoảng 200 USD/ người thì chỉ riêng giá máy bay khứ hồi Hà Nội - TPHCM đã lên tới 300 USD. Phí Visa cũng vừa được điều chỉnh từ 25 USD/người lên thành 45 USD/người. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu du lịch của khách nước ngoài đến Việt Nam.
Nguồn Dân Việt