Thứ Tư | 15/01/2014 11:01

Cầu biểu tượng TP HCM vỡ nợ như thế nào

Vốn xây dựng cầu Phú Mỹ tại thời điểm ký hợp đồng là 1.806 tỷ đồng,nhưng tổng số tiền đầu tư công trình này được thẩm định là hơn 3.000 tỷ đồng.

Công trình cầu Phú Mỹ được UBND TP HCM ký hợp đồng giao Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vào năm 2005 và khởi công năm 2007. Tại thời điểm hợp đồng được ký kết, tổng số vốn của dự án là hơn 1.806 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của PMC là 30% (khoảng 542 tỷ) còn 70% là vốn đi vay (1.264 tỷ).

Trong quá trình thi công, UBND TP đã yêu cầu bổ sung thiết kế kỹ thuật cầu, tăng hệ số chống ảnh hưởng của sóng thần và dư chấn động đất. Vì vậy PMC đề xuất điều chỉnh vốn lên 2.176 tỷ đồng, chưa kể lãi vay ngân hàng nước ngoài trong thời gian thực hiện đầu tư dự án.

Sau hơn 2 năm thi công, tháng 9/2009 cầu Phú Mỹ được đưa vào sử dụng và được xem là cây cầu biểu tượng của TP HCM. Tại thời điểm này, đây là cầu dây văng có quy mô lớn nhất nước với chiều dài hơn 2 km, tĩnh không thông thuyền 45 m. Tuy nhiên, từ ngày khánh thành dự án bắt đầu phát sinh nhiều vướng mắc và kéo dài cho đến nay.

Cầu Phú Mỹ nối quận 7 và quận 2được xem là cây cầu biểu tượng của TP HCM. Ảnh:

Theo hợp đồng BOT xây dựng cầu Phú Mỹ giữa UBND TP HCM và PMC, sau khi thông xe cầu,UBND TP có trách nhiệm thực hiện phân luồng giao thông tại khu vực này theo hướnghạn chế xe tải nặng toàn bộ phía trong tuyến đường vành đai phía đông (lấy đường này làm ranh giới). Xe tải nặng từ cụm cảng, khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ đi trực tiếp ra đường vành đai phía đông, hạn chế tối đa việc đi xuyên trung tâm thành phố.Tất cả hành trình đi vào những cụm công nghiệp, chợ, siêu thị, trung tâm hàng hóa, vận chuyển vật liệu xây dựng đều phải đi ban đêm hoặc phải có giải pháp cụ thể cho những hành trình cấp bách, ngoại trừ một số khu vực gần đường vành đai được thành phố cho phép lưu thông. Hạn chế tối đa xe tải nặng lưu thông qua các cầu Khánh Hội, Kênh Tẻ, kể cả đường hầm Thủ Thiêm. Thay vào đó, cầu Phú Mỹ sẽ đảm nhận toàn bộ luồng xe tải nặng qua tuyến đường này.

Tuy nhiên theo PMC, sau khi cầu Phú Mỹ thông xe, Sở GTVT đã không phân luồng theo hướng này nên lượng xe qua cầu rất thấp, số tiền thu phí không đủ theo tính toán. Đồng thời, trong phương án tài chính của hợp đồng cho phép PMC thu 2.000 đồng/lượt đối với xe máy, song thực tế HĐND TP không duyệt. Ngoài ra, trong hợp đồng UBND TP đã cam kết hoàn thành đồng bộ toàn đường vành đai phía đông với cầu Phú Mỹ nhằm tạo điều kiện cho xe lưu thông vào cầu, nhưng bốn năm qua kể từ khi cầu Phú Mỹ thông xe, thành phố vẫn chưa hoàn thành dự án.

Trong khi đó, theo hợp đồng, trường hợp dự án tuyến đường vành đai phía đông do thành phố đầu tư chưa hoàn thành đồng bộ nên dự án BOT cầu Phú Mỹ không thể thu phí giao thông (chậm hơn 3 năm) thì PMC sẽ chuyển giao công trình cho TP HCM quản lý và khai thác. Đồng thời, thành phố phải hoàn trả cho PMC toàn bộ vốn đầu tư của dự án (bao gồm vốn vay, lãi vay vốn sở hữu đầu tư và lãi bảo toàn vốn theo tỷ lệ đã được quy định trong hợp đồng) và được tính từ khi bắt đầu triển khai dự án đến thời điểm chuyển giao. Ngoài ra, PMC còn được hưởng 30% lãi đầu tư BOT để bù đắp một phần thiệt hại về đầu tư (cụ thể là 73 tỷ đồng).

Tại thời điểm khánh thành (9/2009), cầu Phú Mỹ là cầu dây văng có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh:

Để thẩm định tổng số vốn đầu tư của dự án cầu Phú Mỹ, UBND TP đã giao một cơ quan kiểm toán độc lập làm việc, giữa năm 2013 đơn vị này xác định mức đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ là 3.250 tỷ đồng. Theo PMC, lý do tổng mức đầu tư tăng cao là do tăng tiền đền bù giải tỏa, lãi vay trong thời gian xây dựng (464,5 tỷ đồng), trượt giá ngoại tệ (637,5 tỷ đồng).... Trước đó, vào tháng 2/2011Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đã xác định con số này là 3.293 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phạm Sanh (thành viên tổ điều hành cầu Phú Mỹ), các lý do mà PMC đưa ra là không thuyết phục. Vì hợp đồng với nhà thầu nước ngoài theo hình thức tổng thầu, vốn vay ngân hàng nước ngoài, dự án thi công xong trước tiến độ nên không ảnh hưởng nhiều bởi trượt giá trong nước. Bên cạnh đó, cầu Phú Mỹ là cầu dây văng hiện đại, nhà thầu nước ngoài lập giá, các tổ chức và cơ quan trong nước với kinh nghiệm và kiến thức của mình rất khó tính giá cho đúng nên chỉ tính trượt giá theo các khoản mục gợi ý của nhà đầu tư.

"Dự án cầu Phú Mỹ đội vốn từ khoảng 1.800 tỷ lên 3.250 tỷ đồng có thật hay không thì phải xem lại, nếu làm không kỹ và không rõ ràng, Nhà nước sẽ mất trắng cả nghìn tỷ đồng", ông Sanh nêu ý kiến và cho rằng việc tổng mức đầu tư nếu có tăng do phát sinh ngoài hợp đồng cũng không bao nhiêu, không thể nào cả nghìn tỷ. Vấn đề chính ở đây là phương án tài chính (thu phí) của dự án khó khả thi theo tình hình xe qua cầu hiện nay. Như vậy, UBND TP HCM chỉ nên hỗ trợ giúp nhà đầu tư điều chỉnh lại phương án tài chính. Trường hợp nhà đầu tư không đồng ý thì giải quyết chiếu theo các điều khoản của hợp đồng BOT đã ký.

Trao đổi với, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP cho biết tại cuộc họp về hướng xử lý dự án cầu Phú Mỹ mới đây, UBND TP đã thống nhất chủ trương điều chỉnh chi phí xây dựng công trình này. "PMC sẽ trình lại phương án tài chính hoàn vốn cho dự án với mức thu phí tăng bao nhiêu, thời gian thu phí kéo dài ra sao. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng thành phố sẽ đàm phán với PMC để điều chỉnh hợp đồng BOT", ông Cường cho biết.

Nguồn Vnexpress


Sự kiện