Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cũng cho hay, từ năm 2023 tới nay, không có dự án bất động sản nào được phê duyệt chấp thuận đầu tư. Ảnh: diendandothi.kinhtedothi.vn
Cần Thơ cần lực đẩy
Hiệp Hội Bất động sản thành phố Cần Thơ gần đây cho biết nguồn cung sơ cấp mới cho thị trường trong 5 tháng đầu năm 2024 rất khan hiếm, chỉ có 1 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (chung cư Cara River Park) và 1 dự án đủ điều kiện huy động vốn là chung cư Dream House. Đơn vị này cũng dự báo 6 tháng cuối năm 2024, nguồn cung các dự án sơ cấp sẽ tiếp tục khan hiếm do thủ tục pháp lý cho nhiều dự án vẫn tắc.
Trong khi đó, tổng lượng giao dịch bất động sản quý I/2024 chỉ đạt 1.301 giao dịch, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và giảm gần 30% so với quý III/2023. Tổng giá trị giao dịch chuyển nhượng bất động sản là hơn 1.854 tỉ đồng. Cả quý I/2024, giao dịch nhà ở riêng lẻ là 410 căn, giao dịch căn hộ chung cư chỉ có 16 căn. Đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết lượng giao dịch giảm phản ánh thị trường bất động sản chưa hết khó khăn.
Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cũng cho hay, từ năm 2023 tới nay, không có dự án bất động sản nào được phê duyệt chấp thuận đầu tư. Với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, thì đến nay, Cần Thơ chỉ có 1 hồ sơ đăng ký vay vốn để thực hiện. Tuy nhiên, thành phố đánh giá tạm thời chưa thể công bố dự án nêu trên đáp ứng đủ điều kiện được vay ưu đãi hay không do chủ đầu tư không triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Cần Thơ, đến cuối tháng 4/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản trên địa bàn thành phố là 35.100 tỉ đồng, chiếm 22,05% tổng dư nợ, giảm 0,48% so với tháng 12/2023. Vướng mắc trong hoạt động tín dụng bất động sản liên quan nhiều đến thủ tục hành chính, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp của Nam Long là một ví dụ. Báo cáo với tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Quốc Hội, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, chi nhánh Cần Thơ cho biết tại dự án Khu dân cư Nam Long 2 (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng), tiến độ dự án đã được Công ty triển khai khá nhanh nhưng đến nay, Công ty chưa được hoàn thiện cơ sở pháp lý để đưa 100% quỹ đất ở theo quy hoạch được duyệt chào bán ra thị trường. Lý do là Công ty chưa được xác định giá thu tiền sử dụng đất dù đã phải vay ngân hàng tạm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách số tiền 300 tỉ đồng. Báo cáo nhấn mạnh, Công ty mất khả năng thu hồi được vốn đã đầu tư và rất có thể thua lỗ do phát sinh chi phí sử dụng vốn.
Đối với các sản phẩm nhà ở xã hội, đại diện Nam Long cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ gói 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023. Mặt khác, dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nhưng với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8% đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Đại diện một công ty bất động sản đang triển khai dự án chung cư thương mại và nhà ở xã hội tại Cần Thơ cũng thừa nhận, doanh nghiệp này đang cần rất nhiều lực đẩy từ phía chính quyền địa phương nhằm rút gọn thủ tục pháp lý cho các dự án. Số lượng người dân tham gia tìm hiểu mua nhà ở xã hội là rất lớn nhưng đối tượng hoàn thành và nộp hồ sơ mua nhà lại không nhiều do gặp khó khăn trong việc xin xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở của Ủy ban Nhân dân cấp phường, xã, thị trấn.
Ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, cũng thừa nhận thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất sạch, xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính, vốn, tín dụng và thủ tục bán nhà ở xã hội sao cho đúng quy định.
Dự báo 6 tháng cuối năm, ông Lê Phương Ðông, Trưởng Văn phòng Ðại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho biết thông thường từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm thị trường Cần Thơ đón lượng khách từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến tìm mua sản phẩm ở các quận nội đô. Nhóm khách này là phụ huynh có con em chuẩn bị thi vào các trường đại học trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng quan tâm đến nhà phố ở mặt tiền có khả năng cho thuê, kinh doanh buôn bán hoặc đầu tư nhà trọ cho thuê để phục vụ sinh viên, công nhân viên chức.
Cũng theo ông Đông, đang có xu thế nhà đầu tư có thể bán ra sản phẩm ở những địa bàn lân cận để tập trung về thành phố Cần Thơ do nơi đây không có nhiều dự án mới, là cơ hội cho các chủ đầu tư có năng lực và pháp lý sạch.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Nam Long, chia sẻ, từ năm ngoái, cả thị trường TP.HCM và Hà Nội đều gặp khó, nhưng thị trường Cần Thơ thì khả quan hơn. “Năm vừa rồi chúng tôi đã đóng tiền sử dụng đất hơn 300 tỉ đồng tại Cần Thơ. Vùng nào tốt hơn, sản phẩm tốt hơn thì chủ đầu tư ưu tiên vào vùng đó, sản phẩm đó, quan trọng là cần lực đẩy từ chính sách và sự chuyển động của chính quyền địa phương”, ông Quang nói.
Theo quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phát triển Cần Thơ trở thành đô thị phát triển khá ở châu Á. Trong đó, thành phố Cần Thơ sẽ có 3 vùng phát triển gồm quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị phát triển mật độ cao. Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.