Trong năm 2021, thị trường sẽ có thêm khoảng 17.500 căn hộ tập trung ở khu vực phía Đông. Ảnh: Zing.vn.
Căn hộ cao cấp sẽ khan hiếm trong năm 2021
Căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê hạng A sẽ là các phân khúc có nhiều tiềm năng trong năm nay do nguồn cung còn hạn chế và những kết quả tích cực trong việc triển khai tiêm phòng dịch COVID-19.
Ngoài những yếu tố trên, thị trường bất động sản cao cấp tại TP.HCM còn đón nhận nhiều thông tin tích cực về hạ tầng và quy hoạch ngay từ đầu năm. Những thông tin tích cực này tạo động lực cho nhà đầu tư sẳn sàng xuống tiền vào nhiều phân khúc bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ hạng sang.
Trải qua giai đoạn đầy khó khăn trong nửa đầu năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam đã hồi phục “kỳ diệu” trong những tháng cuối năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục phục hồi và sôi động trong năm 2021.
Thị trường căn hộ cao cấp vẫn “nóng”
Khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần trở lại quỹ đạo, nguồn cung văn phòng hạng A sẽ khan hiếm. Phân khúc căn hộ cao cấp cũng sẽ tiếp tục khan hiếm và giá có thể tăng nhẹ.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, lý giải cho sự khan hiếm này là vì “Việt Nam đang là ngôi sao về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp quốc tế đổ về ngày càng nhiều, góp phần khiến cho nhu cầu về văn phòng gia tăng mạnh mẽ".
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở cao cấp với những yêu cầu về không gian sống chất lượng, an ninh, dịch vụ cao cấp đang tăng khi tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo. Đây là động lực chính khiến phân khúc căn hộ này tăng trưởng và là một trong những lĩnh vực đầu tư khá tiềm năng, ông David Jackson nhận định.
Chia sẻ quan điểm với ông David Jackson, ông Ben Gray Mrics, Giám đốc Thị trường vốn của Cushman & Wakefield Việt Nam, nhu cầu nhà ở Việt Nam đang tăng khá nhanh khi tầng lớp trung lưu đang chiếm 13% dân số. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.
Số liệu của CBRE Việt Nam cho thấy, trong năm 2021 giá bán căn hộ hạng sang dự kiến sẽ tăng khoảng 4-6% mặc dù nguồn cung được cải thiện. Giá căn hộ được dự báo tiếp tục tăng trong nhiều năm tiếp theo nhờ vào niềm tin tin vào bất động sản của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, khi các kênh đầu tư khác còn tiềm ẩn rủi ro và nhiều biến động.
Trong năm 2021, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 17.500 căn hộ với các dự án mới ở các quận ven thành phố như khu vực phía Đông với giai đoạn tiếp theo của Vinhomes Grand Park, Masteri Centre Point (Quận 9), các dự án mới như Lumière riverside, Laimian City (Quận 2), theo CBRE.
Phường Thảo Điền, quận 2 tập trung nhiều dự án căn hộ cao cấp. Ảnh: Zing.vn. |
Bất động sản đón “sóng” dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam
Một lý do khác góp phần thúc đẩy chiều hướng tăng giá của bất động sản tại Việt Nam, ông David Jackson dẫn chứng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến lược “Trung Quốc cộng một” được nhiều tập đoàn đa quốc gia áp dụng nhằm đa dạng hóa sản xuất ở nhiều nước sẽ có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Việc nhiều tập đoàn lớn nữa như Foxconn đến Việt Nam sẽ mang theo các cơ hội về chuyển giao công nghệ hay việc làm, tác động lan tỏa đến các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Ben Gray Mrics cũng đồng ý rằng xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng rất lớn cho thị trường địa ốc tại đây. Không chỉ văn phòng hạng A và căn hộ cao cấp, bất động sản công nghiệp cũng có rất nhiều tiềm năng. “Khi nhiều công ăn việc làm được tạo ra, người dân sẽ có thu nhập cao hơn và nhu cầu mua nhà sẽ tăng”.
Bên cạnh việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như EVFTA, UKVFTA hay RCEP, Việt Nam đã và đang giải quyết tốt nhiều bài toán kinh tế - xã hội vĩ mô, chính trị ổn định, giữ được đà tăng trưởng kinh tế liên tục. Việt Nam cũng đang là “điểm sáng” của khu vực Đông Nam Á khi là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm vừa qua và kiểm soát rất thành công đại dịch COVID-19, ông David Jackson phân tích thêm.
Đất nền, căn hộ tầm trung vẫn hấp dẫn
Ngoài phân khúc cao cấp, căn hộ tầm trung có mức giá dưới 60 triệu đồng/m với thanh khoản khá ổn cũng là một kênh đầu tư khá tiềm năng. Đất nền cũng là phân khúc tạo lợi nhuận tương đối tốt. Sản phẩm đất nền giá hợp lý ở các khu vực lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh hay Long An vừa có sự cạnh tranh về giá, vừa dồi dào nguồn cung sẽ phần nào làm giảm chênh lệch cung cầu tại TP.HCM, vị chuyên gia của Colliers Việt Nam nhận định.
Đất nền, nhà phố có giá dưới 10 tỉ đồng luôn được xem là kênh đầu tư hút vốn dài hạn vì tâm lý của người Việt cảm thấy an toàn hơn khi nắm giữ những tài sản hữu hình.
Một nguyên nhân khác khiến cho thị trường bất động sản Việt Nam luôn hấp dẫn và tăng trưởng tốt đó là giá nhà đất ở Việt Nam vẫn còn khá rẻ so với các nước trong khu vực. Ông David Jackson cho rằng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng với rất nhiều “trợ lực” để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, việc dồn quá nhiều nguồn lực vào bất động sản sẽ có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một ví dụ là hiện tượng “sốt” đất đang diễn ra ở một số nơi. Việc “sốt” đất dẫn đến nợ xấu tăng và xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội của cả khu vực, ông David Jackson cảnh báo.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng cho thị trường địa ốc Việt Nam. Ảnh: Zing.vn. |
Giá đất liên tục tăng cao khiến người có nhu cầu thật sự không có khả năng mua để ở, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư còn chịu áp lực lãi vay và trả gốc dẫn đến nguy cơ mất khả năng trả nợ và khoản vay của họ thành nợ xấu, ngân hàng cũng rất khó để thu hồi số tiền cho vay.
Nếu chi phí đất đai quá cao sẽ kéo theo chi phí sản xuất cũng tăng theo, gây khó khăn cho phát triển hạ tầng. Dồn quá nhiều nguồn lực vào bất động sản cũng sẽ khiến một lượng lớn đất đai bị sử dụng cho mục đích đầu cơ, không được sử dụng cho các hoạt động hay lĩnh vực phù hợp, theo ông David Jackson.
Giới đầu tư tin rằng, bất động sản là một trong những ngành đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam và nhất là khi đại dịch được khống chế hoàn toàn. Triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam đã tạo nền tảng vững chắc cho lĩnh vực này thu hút dòng vốn của nhà đầu tư.