Cam Ranh: Điểm nóng mới cho bất động sản nghỉ dưỡng
Bên cạnh Phú Quốc, Đà Nẵng và Nha Trang, Cam Ranh có thể trở thành điểm nóng mới trên bản đồ bất động sản nghỉ dưỡng, khi một số chủ đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu triển khai các dự án đầy tham vọng tại bán đảo này. Riêng khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, tính đến cuối năm 2014, số dự án được cấp phép đã lên đến 35, trong đó hơn một nửa đã khởi công. Chính phủ cũng đã quy hoạch để khu vực này trở thành trung tâm kinh tế mang tầm vóc quốc tế, kết nối đầy đủ hạ tầng đường không, đường bộ và đường biển.
Cam Ranh đang là điểm đến của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nổi bật là quyết định đầu tư 300 triệu USD của tỉ phú Israel Igal Ahouvi, hơn 1.890 tỉ đồng từ State Development (Nga), khu nghỉ dưỡng 6 sao của Ngân hàng Emirates NBD (UAE). Đặc biệt, Tập đoàn Park Hyatt đã chọn nơi đây làm điểm đầu tư khách sạn 5 sao thứ ba tại Việt Nam, sau TP.HCM và Đà Nẵng. Nhiều dự án cũng đang được triển khai bởi các tập đoàn trong nước, như Eurowindow, Hưng Thịnh, Đỉnh Vàng Nha Trang, Phát Đạt, tiếp nối khu nghỉ dưỡng Diamond Bay của Hoàn Cầu.
So với Phú Quốc, Cam Ranh cũng “một chín, một mười”. Nếu đảo ngọc Phú Quốc nổi tiếng với cảnh đẹp hoang sơ đến mê hồn thì Cam Ranh lại may mắn sở hữu vịnh Cam Ranh rộng 100 km2, một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá đẹp nhất và tốt nhất thế giới, thuận lợi để phát triển cả du lịch nghỉ dưỡng lẫn dịch vụ cảng biển, hàng không. Sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của bán đảo Cam Ranh. Ví dụ, sau khi đưa vào khai khác sân bay quốc tế Cam Ranh, khách du lịch quốc tế từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga và châu Âu đến Cam Ranh tăng lên, đóng góp đáng kể vào kết quả 2 triệu lượt khách mỗi năm tại đây.
Từ lâu, Cam Ranh đã được chú ý. Từ đầu thế kỷ XX, Nga, Pháp, Nhật tranh nhau chiếm giữ vịnh này. Trong giai đoạn Việt Nam kháng chiến, thống nhất đất nước, quân đội Mỹ đã chi hơn 300 triệu USD để mở rộng Cam Ranh. Sau giải phóng, từ năm 1979, nơi này trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Sau năm 2002, Cam Ranh trở thành căn cứ quan trọng của Hải quân Việt Nam tại khu vực Nam Trung Bộ.
Gần đây, Chính phủ đã có nhiều bước đi cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh tế tại Cam Ranh. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng ý để Nga thiết lập cơ sở sửa chữa tàu ở Cam Ranh, trong lúc Mỹ cũng nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác. Lợi thế của Cam Ranh là có thể cung cấp cả dịch vụ dân sự lẫn quân sự, tương tự mô hình thành công tại Singapore, Philippines.
Bên cạnh lợi thế tự nhiên, sẵn có, tiềm năng phát triển của Cam Ranh đang gia tăng rất nhanh do tác động thuận lợi từ việc Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển nơi đây trở thành hải cảng mở, phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự. Tuy nhiên, Cam Ranh sẽ phải cạnh tranh với Đà Nẵng, Phú Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư.
Nam Minh