Thứ Tư | 11/06/2014 21:00

Các ngân hàng lớn cam kết cấp 6.000 tỷ đồng cho dự án xây dựng, giao thông

Các ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng cho 4 chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng đầu tư dự án khoảng 7.778 tỷ đồng.
Ngày 11/6/2014, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã BID) đầu mối tổ chức lễ ký kết triển khai sản phẩm liên kết bốn nhà trong lĩnh vực xây dựng, giao thông theo đề án của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tham dự chương trình ký kết có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp Hội Bất động sản, đại diện 07 Ngân hàng tham gia triển khai thí điểm đề án là Agribank, VietinBank, Vietcombank, VNCB, SHB, Lienvietpostbank, MHB.

Theo BIDV, có 4 chuỗi liên kết được khởi tạo trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư là 7.778 tỷ đồng, các ngân hàng tham gia đã cam kết hỗ trợ tín dụng cho các chủ thể tham gia dự án với tổng số tiền là 6.149 tỷ đồng.

Đề án liên kết 4 Nhà: Ngân hàng – Chủ đầu tư – Nhà thầu – Nhà cung cấp vật liệu xây dựng do NHNN xây dựng ra đời trong bối cảnh thị trường xây dựng, bất động sản đã có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn không ít thách thức. Đề án là một trong các giải pháp điều hành vĩ mô thiết thực của NHNN được đúc kết từ thực tiễn của thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Mục tiêu của Đề án là tạo sự công khai, minh bạch trên thị trường xây dựng, từ đó, lấy lại niềm tin của thị trường và các chủ thể tham gia, góp phần thúc đẩy các giao dịch kinh tế trong hoạt động đầu tư - xây dựng - kinh doanh BĐS, tạo dựng cơ chế luân chuyển dòng vốn thông suốt, kịp thời, đúng đối tượng, đúng tiến độ thi công công trình, từ Chủ đầu tư đến Nhà thầu, Nhà cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD), giúp tiết kiệm chi phí, giảm bớt tồn kho VLXD và bảo đảm giám sát dòng tiền cho vay hiệu quả hơn, qua đó, cải thiện chất lượng tín dụng, giảm bớt nợ xấu cho Ngân hàng.

Theo mô hình liên kết 4 nhà trong đề án sẽ có sự tham gia, liên kết của tất cả các Ngân hàng phục vụ Chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà cung cấp VLXD thông qua chuỗi liên kết đầy đủ từ Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà cung cấp VLXD - Ngân hàng, hoặc các chuỗi liên kết ngắn giữa Ngân hàng với hai trong ba chủ thể: Chủ đầu tư, Nhà thầu chính, Nhà thầu phụ, Nhà cung cấp VLXD.

Bên cạnh việc triển khai trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, Đề án của NHNN còn mở rộng sang các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, (nhất là các gói nâng cấp Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14), xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực khác do Ngân hàng Nhà nước định hướng trong từng thời định.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai thành công sản phẩm này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, sản phẩm tín dụng liên kết bốn nhà cũng tạo điều kiện giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp, tiết kiệm nguồn vốn cho vay đối với công trình, dự án, qua đó nâng cao hiệu quả dòng vốn, góp phần kiềm chế lạm phát.

Phát biểu tại lễ kí kết, ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc BIDV cho biết: “BIDV cam kết tiếp tục là Ngân hàng chủ lực trong kết nối triển khai Đề án theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Hiện BIDV đã xây dựng và hoàn thiện quy định, quy trình nội bộ, đảm bảo việc phối hợp triển khai giữa các Chi nhánh BIDV và giữa BIDV với các Ngân hàng bạn. BIDV sẵn sàng đồng hành cùng các Ngân hàng, chủ động lựa chọn các công trình, dự án trọng điểm trong các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, BĐS để kết nối triển khai Đề án, cũng như, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn tham gia triển khai thí điểm Đề án”.

Nguồn Theo DVO/BIDV


Sự kiện