Ảnh: TL

 
Sơn Nguyên Thứ Tư | 27/11/2019 08:00

Các dự án ngàn tỉ âm thầm trở lại

Sau thời gian đóng băng, nhiều dự án lớn được hâm nóng trở lại trong cơn sốt bất động sản trung tâm.

Sau thời gian dài gần như bỏ hoang mặc dù đã xong phần móng, khu phức hợp cao cấp đối diện chợ Bến Thành là Spirit of Saigon bất ngờ khoác lên mình bảng hiệu mới, đi cùng âm thanh nhộn nhịp của máy móc, công nhân khi nhà thầu Coteccons quay trở lại thi công phần thân.

Spirit of Saigon trước đó có tên gọi là The One Saigon, được khởi công từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD. Tọa lạc tại vị trí vàng giữa khu vực trung tâm, chủ đầu tư Bitexco kỳ vọng công trình 2 khối tháp sẽ trở thành biểu tượng của thành phố. Nhưng do gặp khó khăn về huy động vốn, dự án đóng băng ngay sau khi chủ đầu tư chỉ hoàn thành phần móng.

Được biết, Spirit of Saigon hâm nóng trở lại là nhờ sự xuất hiện của nhóm nhà đầu tư mới tham gia hợp lực cùng chủ đầu tư cũ. Ngân hàng SHB nhiều khả năng cũng sẽ tham gia hỗ trợ tài chính cho dự án sau khi hoàn thành khâu thẩm định quyền khai thác giá trị sử dụng đất và hạ tầng (trị giá 7.697 tỉ đồng). Với nhiều đối tác mới tham gia, siêu dự án này được công bố sẽ bước sang trang mới và kịp về đích đúng hẹn.

 

Một siêu dự án khác rục rịch động thổ mới đây là Khu đô thị thể thao phức hợp Saigon Sports City tại quận 2. Có quy mô 64ha, 4.300 căn hộ và các công trình thể thao phục vụ cho SEA Games, dự án được Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thành Phong đánh giá sẽ trở thành điểm nhấn của khu vực phía Đông. “Dự án sẽ trở thành khu phức hợp đa năng, đáp ứng đầy đủ điều kiện của một khu đô thị thông minh thu nhỏ. Đây cũng là dự án phù hợp với mục tiêu của TP.HCM trong quá trình phát triển trở thành thành phố thông minh trong thời gian tới”, ông Phong nhận định.

Còn tại khu Nam, dự án phức hợp cao 30 tầng, diện tích đất 5.500m2 trong Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng mới đây đã lọt vào tay của United Overseas Australia. Giá trị M&A được công bố khoảng 30 triệu USD, đánh dấu bước đi đầu tiên vào thị trường Việt Nam của nhà đầu tư Malaysia. Hay về phía Tây, bất động sản An Gia đã hoàn thành thương vụ mua lại dự án có quy mô khoảng 2.000 căn hộ tại Bình Chánh, dự kiến sẽ sớm đưa vào triển khai trong 2 tháng còn lại của năm nay.

Giữa không khí trầm lắng từ đầu năm đến nay, việc một số dự án có quy mô lớn rục rịch khởi động vào quý cuối cùng có thể giúp cho thị trường bất động sản phần nào lạc quan trong năm tới, đồng thời giúp nhiều nhà đầu tư tin tưởng hơn vào triển vọng dài hạn của thị trường. Bỏ qua các thách thức hiện tại, bất động sản Việt tiếp tục hấp dẫn trong đánh giá của giới đầu tư. Trong báo cáo Emerging Trends mới công bố của Viện Đất đai Đô thị Mỹ và PwC, thị trường địa ốc TP.HCM đã vượt Singapore để đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển bất động sản năm 2020 và đứng thứ 3 về triển vọng đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Dragon Capital, cho rằng thị trường bất động sản trung tâm TP.HCM đang hội tụ đủ 4 yếu tố là trụ cột cho sự phát triển bền vững của thị trường địa ốc trong dài hạn, đó là xu thế tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Việt Nam, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, cơ sở hạ tầng được cải thiện liên tục và tỉ lệ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng.

Nhưng trước mắt, thách thức vẫn còn đáng kể. Bên cạnh ưu điểm là giúp thị trường bình ổn và bớt bát nháo, chính sách siết chặt lại khâu thẩm định và cấp phép các dự án của chính quyền TP.HCM khiến mặt bằng giá tăng vọt và nguy cơ khan hiếm nguồn cung có thể sẽ kéo dài. Thống kê 9 tháng đầu năm của Sở Xây dựng TP.HCM, toàn thành phố chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích đất 5.122m2, giảm 87,5% so với cùng kỳ năm trước. Toàn thành phố không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư, đồng thời chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 72% so với năm trước.

Vì vậy, khác với cơn sốt bất động sản năm 2015-2017, cuộc chiến giành phần trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt trong các năm tới. Trong đó, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu, hạn chế về thương hiệu và năng lực hoàn thiện pháp lý, triển khai dự án sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa, hoặc buộc phải chuyển nhượng dự án cho đối tác có tiềm lực mạnh hơn.

►Thị trường bất động sản sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020?

►Thị trường bất động sản: Đầu tư vào đâu trong năm 2020?

Bất động sản công nghiệp thắng lớn: Doanh nghiệp nào sẽ tiếp tục hưởng lợi?