Trong nhóm bất động sản thương mại, giá cả và số lượt giao dịch đều ghi nhận giảm mạnh. Ảnh: CNBC.

 
Khánh Tú Thứ Hai | 05/06/2023 17:16

Bức tranh ngành bất động sản Trung Quốc vẫn còn ảm đạm

Đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường địa ốc Trung Quốc trong quý I/2023 bị chững lại và có dấu hiệu quay đầu về xu hướng giảm.

Đầu năm 2023, thị trường bất động sản Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu cho thấy sự hồi phục đáng kể. Tuy nhiên, những dữ liệu được công bố gần đây cho thấy ngành địa ốc ở đất nước tỉ dân vẫn đang chật vật tìm cách xoay chuyển tình thế. Báo cáo của China Beige Book chỉ ra trong tháng 5, giá nhà ở Trung Quốc đã tăng lên nhưng doanh số bán nhà chậm lại.

Được biết, báo cáo của China Beige Book được khảo sát thông qua 1.085 doanh nghiệp bất động sản từ ngày 18-25/5. “Trong nhóm bất động sản thương mại, giá cả và số lượt giao dịch đều ghi nhận giảm mạnh. Bên cạnh đó, kết quả yếu kém trong hoạt động xây dựng và tài chính khiến doanh thu và sản lượng của các công ty trong tháng 5 đều sụt giảm”, báo cáo viết.

Kể từ cuối năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã có những động thái nới lỏng gọng kìm đối với các doanh nghiệp bất động sản. Theo ước tính của Moody’s, ngành địa ốc chiếm tới 25% GDP của Trung Quốc.

 

Còn theo báo cáo của ông Ting Lu, Chuyên gia Kinh tế Trưởng tại Nomura, tính đến ngày 28/5, doanh số bán nhà mới chỉ tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh từ mức tăng 24,8% so với 1 tuần trước đó. Báo cáo cũng cho biết doanh số trong cả 2 tuần đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo báo cáo, sự sụt giảm doanh số diễn ra đa phần tại các thành phố lớn của đất nước tỉ dân. Đây đều là những thành phố cấp 1 nơi người dân thường chuyển đến để tìm kiếm việc làm.

Tâm lý dè chừng của nhà đầu tư

Trước tình hình bất ổn của thị trường bất động sản Trung Quốc, các nhà đầu tư cảm thấy dè chừng. Tháng 11/2022, để cứu các doanh nghiệp địa ốc đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng tín dụng, chính quyền Bắc Kinh đã công bố kế hoạch 16 điểm, bao gồm các điều khoản gia hạn trả nợ. 

Theo phân tích từ S&P Global Ratings, kế hoạch giải cứu của chính phủ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ngành địa ốc thiếu tiền nghiêm trọng và đang chật vật với những vụ vỡ nợ, các dự án bị đình trệ. Nhưng những sáng kiến nằm trong kế hoạch chỉ hỗ trợ các khoản vay của chủ đầu tư ở cấp độ dự án. Do đó, vẫn không rõ liệu các chủ đầu tư có thể hoàn trả trái phiếu cho trái chủ ở cấp độ cao hơn hay không. Giới đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao dòng tiền mà chủ đầu tư thu về từ việc bán bất động sản. 

Tính đến tháng 4/2022, doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 900 tỉ nhân dân tệ (tương đương 126,87 tỉ USD), thấp hơn mức trung bình hàng tháng của năm ngoái là 1.100 tỉ nhân dân tệ. S&P dự báo doanh số bán hàng của các chủ đầu tư bất động sản Trung Quốc sẽ giảm khoảng 3-5% trong năm 2023.

Ngoài ra, theo dự đoán của giới phân tích, doanh số bán nhà ở các thành phố lớn sẽ tăng khoảng 3% trong khi những thành phố nhỏ hơn ghi nhận mức giảm khoảng 10%.

Thị trường thứ cấp chao đảo

 

Theo Fitch Ratings, các hoạt động kinh doanh và thương mại trên thị trường nhà ở thứ cấp đã trở nên kém sôi động hơn hẳn thời gian trước. Số lượng tin rao bán nhà có xu hướng suy giảm, giá chào bán thấp hơn và số lượt giao dịch cũng ít đi.

“Đà giảm tốc diễn ra sau đợt phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2023. Điều này phản ánh niềm tin của người mua vẫn còn mong manh giữa bối cảnh triển vọng kinh tế kém và thị trường việc làm bấp bênh”, Fitch Ratings nhận xét.

Thông thường, những dự án căn hộ sẽ được các chủ đầu tư bán hết trước khi hoàn tất việc xây dựng. Theo các nhà phân tích tại Fitch Ratings, tâm lý trên thị trường nhà ở thứ cấp được coi là “phong vũ biểu” của lĩnh vực bất động sản. Bởi ở đó, giá cả và nguồn cung không phải chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý.

Doanh số bán nhà trên thị trường thứ cấp cũng ảnh hưởng đến giá nhà mới. Giới phân tích ước tính, hơn 50% số nhà được bán ở những thành phố lớn nhất của Trung Quốc là nhà cũ đang rơi vào nhóm nhà ở thứ cấp.

Có thể bạn quan tâm:

Đồng bạc xanh vẫn là "vua" ở châu Âu

Nguồn CNBC