BRG thâu tóm Intimex: Tấc đất tấc vàng
Sau 6 năm nắm giữ 49% cổ phần của Công ty cổ phần Intimex Việt Nam, Nhà nước đã “buông tay” khi quyết định bán toàn bộ cổ phần của doanh nghiệp này. Trong đó, 34,3% cổ phần sẽ được bán cho Công ty Thung Lũng Vua, một công ty tư nhân thuộc Tập đoàn BRG (BRG).
Lương duyên BRG-Intimex việt nam
Intimex Việt Nam ra đời vào năm 1979, tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Nội thương và Hợp tác xã trực thuộc Bộ Công Thương. Doanh nghiệp này từng chịu trách nhiệm kinh doanh xuất nhập khẩu dưới hình thức trao đổi hàng hóa nội thương và hợp tác xã với khối xã hội chủ nghĩa và một số quốc gia khác. Năm 2009, Intimex Việt Nam được cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vốn nhà nước.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là đại diện nắm giữ 49% vốn nhà nước của Intimex Việt Nam. Vừa qua, SCIC đã quyết định bán đấu giá 14,7% vốn ra bên ngoài với giá khởi điểm 11.200 đồng/cổ phiếu. Phần 34,3% vốn còn lại được bán cho Tập đoàn BRG với mức giá chưa được tiết lộ.
Tập đoàn BRG hoạt động chủ yếu ở ngành tài chính, ngân hàng và kinh doanh sân golf. Dù sở hữu hàng loạt các sân golf lớn cùng nhiều khu vực đất vàng hiếm hoi còn lại tại Hà Nội, song tập đoàn này lại khá kín tiếng. Chưa rõ nguồn vốn của BRG ra sao, nhưng một thành viên khác của họ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đã có vốn điều lệ đã lên tới 5.335 tỉ đồng. Với tiềm lực sẵn có, BRG sẽ thâu tóm được Intimex Việt Nam có vốn chủ sở hữu chỉ 250 tỉ đồng.
Thực ra, BRG cũng đã “dính dáng” đến Intimex Việt Nam từ năm 2009, khi nắm giữ 11,59% vốn tại doanh nghiệp nhà nước này. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch của Intimex Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch của SeABank và Tập đoàn BRG.
Nếu thương vụ nói trên thành công, BRG sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Intimex Việt Nam với tỉ lệ sở hữu 45,89%. Như vậy, từ chỗ là một doanh nghiệp nhà nước chuyên xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm, Intimex Việt Nam sẽ chịu sự kiểm soát hoàn toàn của một tập đoàn tư nhân chưa từng hoạt động trong lĩnh vực này.
Intimex Việt Nam hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, lương thực, thực phẩm, bán lẻ... Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Công ty cho biết đã không chi trả cổ tức trong 3 năm gần đây do thua lỗ. Hoạt động kinh doanh của Intimex Việt Nam cũng không quá nổi bật, với kết quả kinh doanh năm 2012 và 2013 lần lượt lỗ 0,96 tỉ đồng và 3,75 tỉ đồng. Năm 2014, Công ty chỉ lãi 129 triệu đồng.
Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận Intimex trong 3 năm gần đây |
Đáng chú ý, mức lãi này không đến từ kinh doanh mà đến từ hoạt động đầu tư dài hạn. Cụ thể, Intimex Việt Nam đầu tư vào Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Đức Long Khánh dưới hình thức công ty liên kết với tỉ lệ sở hữu 45,55% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần Sài Gòn Intimex với tỉ lệ sở hữu 14,28% vốn điều lệ. Intimex Việt Nam còn đầu tư dưới dạng cổ phần vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, nắm gần 20% vốn điều lệ. Hầu hết những doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà Intimex Việt Nam đầu tư đều có doanh thu lớn. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex với doanh thu trung bình 30.000 tỉ đồng/năm.
Ở lĩnh vực bán lẻ, Intimex Việt Nam hiện có 14 hệ thống siêu thị đang hoạt động trải dài từ miền Bắc đến miền Trung, nhưng kinh doanh không mấy khả quan. Bán lẻ cũng chẳng phải là thế mạnh của BRG, nên khả năng tập đoàn tư nhân này đưa Intimex Việt Nam thoát thua lỗ là khá mong manh.
Intimex Việt Nam có gì hấp dẫn?
Như đã đề cập, BRG vốn là công ty đầu tư tài chính, ngân hàng và sân golf, nên bán lẻ và kinh doanh lương thực hoàn toàn không phải là thế mạnh hay mục tiêu nhắm đến của họ.
Mặt khác, trong bối cảnh các hiệp định thương mại đã ký kết sẽ mở cửa thị trường và khiến cho cạnh tranh ở ngành bán lẻ thêm cam go, càng ít có lý do để khiến BRG phải dấn thân vào lĩnh vực này. Thay vào đó, với nguồn vốn lớn trong tay, tập đoàn tư nhân này đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản.
Năm 2012, BRG mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay chủ sở hữu nước ngoài và thông tin hoàn toàn được giấu kín cho đến khi thương vụ thành công. Sau khách sạn Hilton, bà Nga còn rót vốn vào khách sạn Thắng Lợi, Nghi Tàm, Hồ Tây, Hà Nội.
Sau khi thâu tóm những khách sạn kể trên, gần đây nhất, BRG cũng mua lại 27% cổ phần của Công ty Thăng Long GTC. Ngoài những dự án lớn và một số khách sạn đã đi vào hoạt động, Thăng Long GTC còn sở hữu quyền sử dụng 40.000 m 2 đất tại dự án Times Square Hà Nội. Đây được xem là mảnh đất vàng được nhiều đại gia nhòm ngó.
Ngoài những dự án lớn và một số khách sạn đã đi vào hoạt động, GTC có vốn góp tại nhiều khách sạn lớn như Pan Horizon Hotel, InterContinental Hanoi Westlake, siêu thị Big C Thăng Long, Hilton Hanoi Opera Hotel, Dự án Times Square Hanoi, Dự án Khu phức hợp Giảng Võ. Đây đều là các mảnh đất có diện tích lớn, tọa lạc tại những vị trí đắc địa của Hà Nội.
Trong khi đó, Intimex Việt Nam do xuất phát là doanh nghiệp nhà nước nên có lợi thế về quỹ đất. Hiện nay, dù kinh doanh thua lỗ nhưng Công ty vẫn có quỹ đất khổng lồ với tổng diện tích sử dụng lên tới 2,57 triệu m2, trải dài từ Bắc vào Nam. Phần lớn đất của Intimex Việt Nam đang tồn tại ở dạng nhà xưởng, trung tâm thương mại, siêu thị hoặc văn phòng.
Mua lại cổ phần và nắm giữ quyền chi phối hoàn toàn Intimex Việt Nam, BRG sẽ khó biến công ty này thành con gà đẻ trứng vàng nếu vẫn bám theo ngành thực phẩm và bán lẻ. Tận dụng nguồn quỹ đất của Intimex Việt Nam để phát triển bất động sản dường như sẽ là một viễn cảnh tươi sáng hơn cho BRG.
Mai Hân