Thứ Ba | 02/04/2013 15:51

Bộ Xây dựng nêu quan điểm về ý kiến để thị trường bất động sản rơi tự do

Theo lãnh đạo thuộc Bộ Xây dựng, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong điều tiết thị trường từ cả phía người bán và người mua.
Trả lời phỏng vấn VTV về những tranh luận gần đây về việc nên cứu hay để thị trường bất động sản rơi tự do, đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý thị trường bất động sản cho rằng, cả hai luồng ý kiến này đều chưa phân tích được đúng bản chất.

Theo ông Hà, hiện thị trường bất động sản rất khó khăn, giao dịch hầu như không có, gây ảnh hưởng tới cung cấp nhà ở cho người dân và tác động đến các ngành sản xuất khác. Bên cạnh đó, cung cầu thị trường lệch pha: cung thị trường thì giá cao, diện tích lớn trong khi tín dụng và khả năng chi trả của người mua thì hạn chế.

Ông Hà cho rằng, ở đây vai trò điều tiết của nhà nước rất quan trọng. Theo đó, cần giảm thuế, chi phí tài chính giúp doanh nghiệp bất động sản giảm giá bán, đồng thời cho vay tín dụng ưu đãi, miễn thuế VAT nhằm thúc đẩy nhu cầu từ phía người mua.

Trong một bài phỏng vẫn khác, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định, với quan điểm bất cứ một người dân, một doanh nghiệp hay một ngành nghề gặp khó khăn, Nhà nước cũng phải hỗ trợ, do đó không thể để bất động sản rơi tự do hay tự phát triển.

"Cách đây 2 năm, khi bất động sản được xếp vào nhóm phi sản xuất, tôi đã có ý kiến và đến nay điều này đã được ghi nhận. Bất động sản không phải tội đồ vì hiện góp tới 10% GDP, đối với một số nước tỷ lệ này lên tới 20-30%", vị Thứ trưởng nói.

Trước ý kiến cho rằng gói tín dụng giải cứu bất động sản 30.000 tỷ đồng chỉ nên dồn cho người dân vay mua nhà ở xã hội, ông Hà nhìn nhận, nếu như dòng tiền chỉ hướng vào người dân thì người ta cũng mang tiền để mua sản phẩm nhà xã hội từ đó doanh nghiệp bất động sản cũng có khả năng phát triển sản xuất của mình.

"Tuy nhiên, nếu một phần đó dành cho doanh nghiệp thì cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhằm tăng khả năng cung cấp cho người dân giá nhà rẻ hơn khi mua nhà ở thương mại", ông nói.

Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn VnExpress.net, Tiến sĩ Alan Phan cho rằng, rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một số đối tượng bởi vậy, nên để thị trường "rơi tự do" để giá nhà giảm thêm 30-50% giúp "bắt kịp" thu nhập của người dân. Theo ông Alan Phan, khi để bất động sản rơi thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng, nhà băng có thể "chết" nhưng thực tế sẽ không sao cả vì số lượng ngân hàng hiện dư nhiều. Ngân hàng chết, chứng khoán sẽ tụt nhưng sau đó niềm tin sẽ lấy lại và đi tới một chu kỳ kinh tế mới.

Liên quan đến việc doanh nghiệp than khó tìm vốn, ông Alan Phan ước tính vốn trong dân hiện khoảng 60 tỷ USD, vốn từ kênh Việt kiều và nhà đầu tư nước ngoài khoảng 20 tỷ USD. Con số này thừa đủ để giải quyết tồn kho của bất động sản. "Nếu cung cầu gặp nhau thì thị trường sẽ phá băng. Cho nên giá cả hãy để cho thị trường quyết định", TS Alan Phan nhận định.

Nhận định và phát biểu của ông lập tức gặp phải sự phản ứng từ nhiều doanh nghiệp bất động sản. Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, với gần 100 hội viên, đã gửi thư ngỏ nêu một loạt câu hỏi "đòi" chất vấn đến TS Alan Phan về phát ngôn của ông.

Trong thư chất vấn, Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội đưa ra 15 câu hỏi, trong đó, nhấn mạnh, Chính phủ phải làm gì để khi doanh nghiệp chết, nhà băng chết, chứng khoán tụt giảm mà người dân vẫn không mất tiền. Doanh nghiệp bất động sản phá sản khi người dân đã góp vốn triển khai dự án thì ai sẽ là người bị mất tiền. Câu lạc bộ cũng đề nghị Tiến sĩ Alan Phan đưa ra cơ sở khoa học để khẳng định không cần giải cứu, địa ốc sẽ đi lên sau 4-5 năm...

Nguồn Dân Việt/VTV


Sự kiện