Thứ Năm | 24/01/2013 14:01

Bộ trưởng Xây dựng bị chất vấn tình trạng "chạy" mở rộng đô thị

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc nâng cấp mở rộng đô thị tràn lan khiến thị trường bất động sản tăng nóng, làm thoái hóa cán bộ có chức có quyền.
Sáng nay (24/1), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã giải trình tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản.

Liên quan đến việc nâng cấp mở rộng đô thị tràn lan vừa qua khiến thị trường bất động sản tăng nóng, lãng phí tài nguyên đất đai và làm thoái hóa một bộ phận cán bộ có chức có quyền, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đã chất vấn Bộ trưởng rằng "Có hay không việc chạy trong mở rộng và nâng cấp đô thị".

Trước câu hỏi này của đại biểu, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc nâng cấp, mở rộng đô thị là yêu cầu tất yếu khách quan trong quá trình công nghiệp hóa và quá trình lập đề án được giao cho các địa phương.

Song, Bộ trưởng cho rằng, để được phê duyệt nâng cấp, mở rộng đô thị thì địa phương phải trình qua rất nhiều cấp, do vậy sẽ không có việc "chạy" trong mở rộng, nâng cấp đô thị.

Nâng cấp đô thị để lên thành thành phố trực thuộc tỉnh, trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn, quận, huyện thì địa phương phải lập dự án và trình các cấp, sau đó chắc chắn Ủy ban Nhân dân phải thông qua, sau đó tới Thường vụ và Hội đồng Nhân dân rồi mới trình lên Chính phủ. Sau khi Chính phủ xem xét sẽ đưa qua Bộ Nội Vụ để thẩm định. Qua nhiều bước như vậy nên tôi nghĩ là không có việc chạy để nâng cấp mở rộng đô thị, Bộ trưởng nói.

Nhận xét về câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Lê Nam bổ sung thêm, việc phát triển đô thị là tất yếu nhưng vấn đề đặt ra là nếu phát triển lên đô thị loại 1 thì địa phương sẽ phải đảm bảo nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, trong thực tế, theo đại biểu Nam, có nơi thiếu các tiêu chí nhưng vẫn được công nhận, do đó làm đô thị phát triển không thực chất, thị trường bất động sản quá nóng, khu đô thị bỏ hoang nhiều.

Không chỉ phát triển tràn lan, có ý kiến cho rằng đô thị hiện nay có chất lượng rất kém, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận điều này khi cho rằng với tỷ lệ đô thị hóa hiện là 32% nhưng chất lượng phát triển đô thị không đồng đều, hạ tầng không đồng bộ, thiếu công trình phục vụ nhu cầu của người dân.

Song, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân của việc này một phần là do thiếu nguồn lực. Thu nhập bình quân của chúng ta hiện nay có hơn 1000 USD/người/năm, với nguồn lực của chúng ta cũng đã cố gắng đầu tư cho đô thị lắm rồi, Bộ trưởng cho hay.

Nhận xét về công tác quản lý thị trường, người đứng đầu ngành bất động sản cũng nhận định, thị trường bất động sản trầm lắng cũng do quản lý thiếu quy hoạch, khiến cung vượt quá nhu cầu của thị trường.

Những nguyên nhân này thuộc về công tác quản lý Nhà nước, là trách nhiệm của cơ quan quản lý bởi hoạt động kinh doanh bất động sản gắn liền với phát triển đô thị, luật đất đai, luật xây dựng, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản...

Song, hiện nay nhiều văn bản, quy định còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo, thiếu những chế tài xử phạt khiến các doanh nghiệp lách luật để thực hiện dự án nhanh nhất mà không tuân theo đúng quy hoạch. Bộ Xây dựng chưa kịp thời xây dựng các văn bản pháp luật trình cơ quan có thẩm quyền để hạn chế các trường hợp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung tìm nguyên nguyên, quan điểm mới trong việc tiếp cận xây dựng các văn bản pháp luật, thay vì đi sâu vào số lượng thì sẽ đi sâu vào chất lượng. Đồng thời, sẽ có ban quản lý các khu đô thị để giám sát các dự án.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bổ sung, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý trong cân đối cung cầu thì còn một vấn đề là hướng dẫn việc thực thi luật quá chậm.

"Luật xây dựng ban hành năm 2003, luật kinh doanh bất động sản ban hành năm 2006, luật quy hoạch đô thị ban hành 2009 nhưng sau 3,5 năm Chính phủ mới ban hành Nghị định về quản lý đô thị. Nếu chính phủ ban hành Nghị định này sớm hơn thù chũng ta sẽ không phải chịu hậu quả nặng nề như hiện nay. Việc chậm hướng đẫn thực thi luật là rất rõ ràng", bà nói.

Nguồn Khampha


Sự kiện