Thứ Tư | 29/10/2014 09:58

Bộ GTVT quản lý hơn 155.000 tỷ đồng dự án BOT, BT, PPP

Trong đó, số dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác là 18 dự án với tổng mức đầu tư 18.086 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, báo cáo về cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân tại cuộc họp bàn về giải pháp, cơ chế chính sách về xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiều 28/10 vừa qua, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP cho biết, Bộ GTVT hiện đang quản lý 65 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 155.739 tỷ đồng.

Trong đó, có 18 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư 18.086 tỷ đồng.

Có 47 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư với tổng mức đầu tư 137.655 tỷ đồng, bao gồm 43 dự án BOT (tổng mức đầu tư 121.350 tỷ đồng) và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng).

Về tình hình huy động vốn ngoài ngân sách, theo ông Danh, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là đường bộ. Các lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải huy động từ xã hội hóa chưa cao.

Các dự án huy động vốn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước. Chỉ có 3 dự án được huy động từ các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Trong thời gian tới, Bộ chủ yếu triển khai các dự án quy mô lớn, kinh phí đầu tư cao, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhà nước với thời gian cung cấp tín dụng dài hạn. Hiện nay, các dự án đa số là tín dụng ngắn và trung hạn, tín dụng dài hạn dưới 25 năm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, các trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế đó là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngành GTVT phải chi rất nhiều tiền cho kết cấu hạ tầng thì chúng ta phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, đó là làm sao chúng ta phải tái cơ cấu được đầu tư công; bên cạnh đó phải thay đổi tư duy phát triển hạ tầng, dùng hạ tầng để phát triển hạ tầng, xây dựng hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ, tương đối hoàn chỉnh… nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật”.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, nâng cao chất lượng cổ phần hóa; lập danh mục kêu gọi đầu tư ở từng lĩnh vực, có đề xuất chính sách cụ thể riêng; giải quyết các vấn đề vốn cho các nhà đầu tư, cân đối suất đầu tư, quỹ đầu tư hạ tầng....

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhanh chóng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện