BIDV đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Để tháo gỡ khó khăn của thị trường, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường.
Nhóm giải pháp chung đối với quản lý nhà nước
Cần đưa các biện pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2013 nhằm tạo cơ sở để các bộ ban ngành, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện. Chính phủ nghiên cứu xem xét sửa đổi Nghị định về việc quản lý thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian sớm nhất.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường của Chính phủ cần được ban hành, triển khai ngay từ cuối năm 2012, qua đó định hướng và tạo tâm lý ổn định cho thị trường, nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu mua nhà.
Cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ đối với các chủ đầu tư dự án và được giữ nguyên nhóm nợ như trước khi thực hiện cơ cấu.
Chính phủ xem xét chấp thuận việc thành lập Công ty tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia. Hoạt động của Công ty này sẽ góp phần tạo ra nguồn vốn trung dài hạn cho thị trường, giải quyết lượng tồn kho bất động sản hiện nay, giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng.
Chính phủ giao các ngân hàng có dư nợ cho vay nhà ở lớn quản lý các nguồn vốn ODA dành cho mục đích phát triển nhà để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay.
Yêu cầu các giao dịch bất động sản của các dự án phải được giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản. Có chế tài mạnh (như xử phạt hành chính, không cấp chứng nhận sở hữu,…) để xử lý những giao dịch ngầm không qua sàn.
Có biện pháp mạnh, quyết liệt đối với các chủ dự án khi triển khai không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng, quy hoạch. Thực hiện thu hồi các dự án không tuân thủ đúng cam kết khi cấp phép đầu tư, yêu cầu dừng đầu tư các dự án mới chỉ thực hiện xong giải tỏa mặt bằng, yêu cầu các chủ dự án thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tiết giảm chi phí, giảm giá bán.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng chính sách tín dụng theo hướng không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay với từng đối tượng.
NHNN có các cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích các NHTM tăng trưởng tín dụng bán lẻ cho vay người mua nhà để ở: không tính trong dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản vì là người mua cuối cùng; có các cơ chế ưu đãi về nguồn vốn đối với dư nợ cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở như tái chiết khấu với lãi suất ưu đãi, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với số dư cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở… để các NHTM có thể giảm lãi suất cho vay mua nhà; khuyến khích các NHTM tăng trưởng tín dụng cho vay cá nhân mua nhà.
Nhóm giải pháp kích cầu
Đối với phân khúc nhà ở xã hội: Đây cần được xem là nhóm ưu tiên hàng đầu và cấp thiết. Để thúc đẩy phân khúc thị trường này cần có cơ chế đồng bộ từ việc hỗ trợ nguồn vốn với chi phí ưu đãi đối với các chủ đầu tư thực hiện dự án và cả người mua nhà.
Sửa đổi điều chỉnh văn bản luật hiện hành theo hướng tháo gỡ những khó khăn hiện nay (cho phép người mua nhà thế chấp nhà ở xã hội để vay vốn, rút ngắn thời gian cho phép chuyển nhượng, quy định rõ Chủ đầu tư được thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn triển khai dự án,…).
Đề xuất Nhà nước có cơ chế hỗ trợ để người mua nhà ở xã hội chỉ phải trả mức lãi suất bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (6-7%/năm).
Theo đó, Bộ Tài chính có cơ chế cấp bù phần chênh lệch lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng khi thực hiện cho vay chương trình này thông qua giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hàng năm; NHNN cho vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi (bằng 80% lãi suất cho vay người mua nhà) với thời gian tương ứng cho các ngân hàng khi tham gia chương trình cho vay đối với lĩnh vực nhà ở xã hội.
Chính phủ xem xét, chỉ đạo và cho phép UBND các tỉnh/địa phương mua một phần sản phẩm đầu ra của dự án nhà ở xã hội, cho phép chủ dự án nộp tiền đất bằng các căn hộ đã đầu tư.
NHNN chỉ đạo các Ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở thương mại dành cho người thu nhập thấp với lãi suất ưu đãi.
NHNN không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp (bao gồm cả cho vay chủ đầu tư và người mua nhà) vào giới hạn cho vay bất động sản/lĩnh vực không khuyến khích và không áp dụng hệ số rủi ro 250% khi tính tỷ lệ an toàn vốn để các tổ chức tín dụng có thể mạnh dạn đẩy mạnh cho vay.
Đối với phân khúc nhà thương mại
Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng một số dự án: chia nhỏ diện tích để giảm giá bán, chuyển đổi mục đích sang làm bệnh viện, trường học, tái định cư, nhà ở xã hội …
Sửa đổi luật liên quan bất động sản: Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật đấu thầu; cho phép chuyển nhượng một số dự án kinh doanh bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài với cơ chế quản lý, giám sát riêng để thu hút nguồn lực.
Các chủ đầu tư cần phải cơ cấu lại các sản phẩm của mình cho phù hợp với nhu cầu người mua, đồng thời xây dựng lại niềm tin cho người mua bằng chất lượng và tiến độ xây dựng.
Nhóm giải pháp về thuế
Triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí tài chính cho chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản thông qua các biện pháp như: giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp cho các dự án nhà ở xã hội;…
Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán sản phẩm bất động sản, nộp tiền sử dụng đất bằng chính sản phẩm của dự án.
Nhóm giải pháp giải phóng hàng tồn kho
Đối với dự án dở dang sắp hoàn thành: tiếp tục hỗ trợ vốn để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án, đưa sản phẩm vào tiêu thụ, tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng.
Đối với dự án đã hoàn thành: yêu cầu chủ đầu tư giảm giá bán, có giải pháp hỗ trợ đầu ra để giảm tồn đọng.
Nguồn Khampha