Thứ Ba | 23/04/2013 10:04

Bi hài chuyện mua nhà thời "bánh vẽ"

Bỏ hàng tỷ đồng để mua 1 căn hộ trên giấy, nhiều khách hàng đang phải khóc dở mếu dở vì chưa nhận nhà đã thanh lý hợp đồng hoặc nhà ở thương mại có nguy cơ thành nhà ở xã hội.

Nhà tiền tỷ “hô biến” thành nhà xã hội! Mới đây phản ánh trên báo chí, nhiều khách hàng mua dự án AZ Thăng Long (BrightCity) đã dọa kiện chủ đầu tư nếu dự án bị chuyển đổi thành nhà ở xã hội.

Theo anh Nguyễn Văn Quân (Hiệp Hòa, Bắc Giang), ngày 19/4/2011, anh đã ký hợp đồng đặt cọc mua căn hộ tại dự án BrightCity với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bánh kẹo Thăng Long.

Theo hợp đồng này, anh được quyền mua căn hộ số 08, tháp A1, tầng 9, có diện tích 88 m2, với giá gốc là 16 triệu đồng/m2. Anh Quân đã nộp tổng cộng 572 triệu đồng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bánh kẹo Thăng Long (bao gồm 422,4 triệu đồng ghi trong Hợp đồng và tiền chênh lệch là 149,6 triệu đồng).

Đến tháng 11/2012, hợp đồng đặt cọc hết hạn, nhưng Dự án vẫn chưa thi công xong móng, anh Quân liên tục làm đơn yêu cầu thanh lý hợp đồng và hoàn trả tiền, nhưng chủ đầu tư không thực hiện, với lý do vốn góp của khách hàng đã được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, làm móng.

Ngày 13/12/2012, anh Quân làm đơn gửi tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Bánh kẹo Thăng Long, với lý do công ty này đang mất khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn và dự án của Công ty nhiều năm không làm xong móng. Ngày 28/1/2013, Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã chính thức tiếp nhận đơn của anh Quân và ra thông báo nộp tiền lệ phí phá sản.

Đang trong thời gian chờ giải quyết thủ tục phá sản của tòa án thì anh Quân được biết qua phương tiện thông tin đại chúng là Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đang thụ lý hồ sơ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bánh kẹo Thăng Long xin chuyển đổi mục đích sử dụng của Dự án BrightCity.

“Sau khi chuyển đổi, diện tích căn hộ sẽ bị thu nhỏ lại dưới 70 m2, nên không phù hợp với không gian sống mà gia đình tôi đã lựa chọn khi mua. Dự án cũng sẽ không còn tiện ích khác như hầm để xe, mật độ dân số đông lên trong khi số lượng thang máy không thay đổi, dịch vụ khác không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân”, anh Quân bức xúc.

Anh Quân cũng khẳng định: “Trong trường hợp Dự án AZ Thăng Long vẫn được phép chuyển đổi, tôi sẽ xem xét khởi kiện đơn vị cấp phép chuyển đổi ra Tòa”.

Bị thanh lý nhà vì thứ cấp chiếm dụng vốn

Cục Cảnh sát kinh tế - C46 (Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng về việc xác minh, giải quyết các nội dung liên quan đến kiến nghị khẩn cấp của nhóm khách hàng mua căn hộ tại Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo đó, Tổng cục Cảnh sát yêu cầu Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhóm khách hàng tố cáo các đơn vị thứ cấp có hành vi vi phạm pháp luật về huy động vốn, không thực hiện mua bán căn hộ qua sàn giao dịch bất động sản, sử dụng vốn sai mục đích và đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng không đúng quy định…

Theo phản ánh của một số đại diện khách hàng có tranh chấp mua nhà tại Dự án Văn Phú Victoria, thời gian qua, nhiều khách hàng chưa đóng đủ 70% giá trị hợp đồng bất ngờ nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng của đơn vị thứ cấp.

Ông Trịnh Ngọc Trung, một khách hàng mua căn hộ tại Dự án Văn Phú Victoria qua đơn vị thứ cấp là Công ty Quản lý bất động sản Thế Kỷ cho biết, sau khi nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng, ông vừa bức xúc, vừa lo lắng. Bởi ngoài thông báo chấm dứt hợp đồng, đơn vị thứ cấp còn tuyên bố sẽ không trả lại số tiền khách hàng đã góp (khoảng hơn 1 tỷ đồng) cho đến khi họ bán được căn hộ thanh lý cho khách hàng khác.

Theo tìm hiểu của nhóm khách hàng mua căn hộ Văn Phú Victoria qua Công ty Quản lý bất động sản Thế Kỷ, thì đơn vị này mới chỉ đóng cho chủ đầu tư là Văn Phú Invest khoảng 40% giá trị hợp đồng, trong khi đã thu của khách hàng ít nhất là 60% giá trị hợp đồng, thậm chí có khách hàng đã nộp đến 95% giá trị hợp đồng.

Hiện đơn vị này đang hết sức khó khăn và có nguy cơ phá sản, nên nếu tiếp tục đóng tiền đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.

Nhà chưa xong đã “ép” khách ở

May mắn hơn nhiều khách hàng phải bỏ tiền tỷ để nhận nhà trên giấy, nhưng nhóm khách hàng mua dự án nhà ở tại khu đô thị Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư lại rơi vào một tình cảnh hết sức bi hài là nhà chưa hoàn thiện đã bị ép đến nhận.

Phản ánh lên báo chí, nhóm khách hàng mua dự án này cho biết, theo tiến độ của các toà nhà CT7 E, F, G thuộc khu đô thị Dương Nội dự kiến quý IV/2012 sẽ bàn giao nhà và thanh toán hết hợp đồng. Tuy nhiên, cho đến hết quý I/2013, Tập đoàn Nam Cường mới có giấy mời gửi khách hàng đến xem và bàn giao nhà thời gian từ 15 đến 24/4/2013.

“Nội thất bên trong chưa lắp đặt xong, thang máy chưa hoạt động; sơn bả chưa xong, phía ngoài toà nhà vẫn ngổn ngang gạch, cát, xi măng... làm sao chúng tôi có thể về đây ở được”, anh Nguyễn Tiến Nam (Hà Đông), bức xúc phản ánh.

Bà Lê Thị Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), khách hàng mua căn hộ 107,2m2 từ năm 2009 với giá gần 25 triệu đồng/m2, tổng giá trị căn hộ gần 2,7 tỷ cũng giãi bày: "Chúng tôi mua căn này đã đóng được 80% từ năm 2012, tính đến giờ này chậm của chúng tôi hơn 3 tháng. Nay gửi giấy mời yêu cầu chúng tôi nhận nhà nhưng các hạng mục đều dang dở. Theo hợp đồng, nếu bên bán chậm bàn giao căn hộ cho bên mua 30 ngày thì phải phạt chậm bàn giao bằng 150% lãi suất áp dụng trên tổng số tiền bên mua đã thanh toán”.

(Theo VTC News)