Bí ẩn ông chủ thực của dự án tháp FPT 30 triệu USD
Được khởi công năm 2009 với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD, cao ốc này ban đầu còn được dự kiến hoàn thành vào ngày 13/9/2010 nhân kỷ niệm 22 năm thành lập FPT. Nhưng sau hơn 5 năm khởi công, dự án vẫn chưa hoàn thành.
Tòa tháp FPT sở hữu vị trí “đắc địa” vào bậc nhất tại Hà Nội: ngã tư Thái Hà – Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng với 2 mặt tiền đường Thái Hà và Láng Hạ.Theo giới thiệu, tòa tháp sẽ có chiều cao tối đa 108 m, 27 tầng nổi, 5 tầng hầm và một tầng kỹ thuật, trên diện tích khu đất hơn 2.700 m2. Tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD.
Trước đây, tại Nghị quyết của HĐQT FPT năm 2009, Công ty TNHH bất động sản FPT (FPT Land) được giao là đơn vị quản lý dự án, thì trong các báo cáo của FPT gần đây, doanh nghiệp này không còn thấy tên trong số 11 công ty con của tập đoàn.
Thay vào đó, xuất hiện tên Công ty TNHH tòa tháp Láng Hạ, có địa chỉ tại 89 Láng Hạ với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, dịch vụ tư vấn quản lý bất động sản.Và theo báo cáo thường niên của HĐQT FPT năm 2011, một trong những kết quả nổi bật của kết quả kinh doanh năm 2011 tại tập đoàn này là việc “tái cơ cấu dự án 89 Láng Hạ”. Tuy nhiên, chi tiết của việc tái cơ cấu này không được nhắc lại trong báo cáo nói trên.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2011 của FPT, ông Nguyễn Thế Phương, phó Tổng giám đốc FPT cho biết HĐQT FPT đã dừng đầu tư vào dự án 89 Láng Hạ và chuyển sang mô hình hợp tác kinh doanh.Nguyên nhân là FPT muốn tập trung vốn đầu tư vào công nghệ thông tin và viễn thông.Theo ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng giám đốc dự án FPT, nếu FPT tiếp tục đầu tư vào dự án này sẽ phải bỏ thêm 600 tỷ đồng. Hơn nữa khu đất không phải sở hữu của FPT mà là được FPT thuê lại của Nhà nước trong thời hạn 50 năm.
Khi bắt đầu đầu tư, lãnh đạo FPT kỳ vọng toà nhà 89 Láng Hạ trở thành biểu tượng của "Tập đoàn FPT" nữa khi diện tích mặt sàn dưới 300.000m2 sàn và hạn chế về giao thông.Thay vào đó, FPT hướng tới xây những khu campus công nghệ cao và đã tiến hành xây tại khu công nghệ cao của Đà Nẵng vào năm 2009 và khu công nghệ cao TPHCM vào năm 2010. Sắp tới, FPT sẽ đầu tư vào khu công nghệ cao tại Hòa Lạc tại Hà Nội.
Năm 2011, HĐQT FPT cũng đã phê duyệt nhiều dự án, trong đó có việc thông qua góp vốn bổ sung vào Cty TNHH Tháp Láng Hạ 133,7 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2011, FPT đã góp được 116 tỷ đồng. Sang năm 2012, không có thêm bất kỳ khoản tiền nào được đổ vào DN này theo như danh mục cam kết góp vốn từ Tập đoàn FPT.
Dù sở hữu vị trí “đất vàng” nhưng dự án sau gần 5 năm khởi công vẫn nằm bất động. Mới đây, dự án đã tái khởi động lại. Theo quan sát của phóng viên VTC News, hiện trên công trường thi công của dự án xuất hiện nhiều máy móc và công nhân, dự án cũng bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất.
Bí ẩn chủ thực sự
Những thông tin về việc chuyển nhượng dự án “đất vàng” này hiện vẫn là dấu hỏi lớn đối với nhiều nhà đầu tư. Tại báo cáo tài chính của FPT, thương vụ chuyển nhượng này cũng không thấy được nhắc đến.
Trước đó, hồi năm 2011, đại diện của Công ty quản lý quỹ SSI và Quỹ tầm nhìn SSI, từng đưa ra một nguồn tin không chính thức là FPT tiến hành chuyển nhượng dự án Tòa nhà 89 Láng Hạ với giá trị 400 tỷ đồng.Trừ đi hợp đồng móng là 100 tỷ đồng, giá trị chuyển nhượng chỉ còn 300 tỷ đồng.Theo vị đại diện này, giá trị chuyển nhượng là quá rẻ so với giá thị trường. Tuy nhiên, ông chủ mới của dự án này lại không được nhắc đến.
Mới đây, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiết lộ với báo chí về thương vụ này. Theo vị này, FPT đã có tờ trình để Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) vào tham gia dự án tại 89 Láng Hạ. Theo đó, VPBank tham gia vào dự án có thể bằng cách mua lại cổ phần từ FPT.
“Hiện nay hồ sơ đang nằm tại Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi chưa chấp thuận việc chuyển đổi như đề xuất của FPT” - vị này xác nhận. Theo đó, hiện tại các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác chuyển đổi chủ sở hữu vẫn chưa được phía Hà Nội thông qua.
Nguồn Theo VTC News.