BĐS năm 2013: Những bước đột phá mới
BĐS năm 2012 khép lại với nhiều sóng gió mà không có nhiều khởi sắc. Năm 2013 được xem là năm đột phá về giá của thị trường BĐS sau một thời gian dài tăng trưởng quá nóng.
Năm 2013 sẽ bùng nổ căn hộ bình dân
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức nhận định: “Năm 2013 sẽ là năm bùng nổ nguồn cung căn hộ ở phân khúc bình dân. Sự cạnh tranh giữa các DN sẽ khốc liệt hơn. Người mua sẽ có nhiều cơ hội và hàng hóa để lựa chọn. Đủ sức trụ vững trên thị trường thuộc về các DN có lợi thế về uy tín, sản phẩm chất lượng, năng lực tài chính. Đây cũng là năm dành cho các nhà đầu tư táo bạo, còn nắm nhiều tiền mặt, có thể thu gom, mua lại nhiều dự án giá rẻ chờ thị trường phục hồi. Nhiều hoạt động liên doanh, liên kết và thâu tóm, sát nhập sẽ diễn ra”.
“Sẽ có nhiều căn hộ bình dân phù hợp với người có thu nhập thấp và trung bình. Đây là một trong những giải pháp nằm trong chương trình phát triển nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Bất động sản sẽ có thể vẫn u ám 3-5 năm nữa
Đánh giá của Hiệp hội bất động sản Việt Nam trong báo cáo kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy, hiện nay chưa có các công cụ tài chính chuyên nghiệp trung và dài hạn cho thị trường BĐS. Đặc biệt công cụ tài chính hỗ trợ nguồn cầu thị trường còn thiếu trầm trọng...
Vi vậy, chiều hướng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xấu và đối với các doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn nữa trong 2013. Kịch bản sẽ có thể xấu trong vòng 3- 5 năm nếu như không có những giải pháp cấp bách và các giải pháp lâu dài.
Giá bất động sản 2013 sẽ thấp chưa từng thấy
Nhận định này hoàn toàn khả quan bởi hiện các chủ đầu tư đều rơi vào tình trạng kẹt vốn trong khi đó dự án mới chỉ bắt đầu xây dựng ( số các dự án đã hoàn thiện phần thô thì bị áp lực thu hồi vốn).
Năm 2012, thị trường Hà Nội đang chứng kiến cảnh hàng loạt các dự án đua nhau công bố giảm giá, đặc biệt là chung cư cao cấp giảm từ 10%-30%, phân khúc biệt thự liền kề có dự án đã giảm 50% so với giá thời điểm nóng. Trong tháng 12, 20 dự án “bung hàng” trong đều đã giảm giá so với đợt mở bán trước từ 15%-30%.
Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Hòa Phát Land, cho dù có gói giải pháp “cứu” bất động sản hay không có, thì bản thân các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng phải “cắt lỗ” để thanh khoản hơn.
Xu hướng chuyển nhà thương mại thành nhà thu nhập thấp
Một trong những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra và cũng được Chính phủ đồng thuận đó là việc khuyến khích các doanh nghiệp chuyển các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Nhằm mục đích giảm giá bán sản phẩm và tăng quỹ nhà ở xã hội đồng thời kích thích giải phóng hàng tồn kho.
Ngày 18.12, dự án Khu đô thị Trung Văn (diện tích trên 15,6 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng, do Công ty CP đầu tư xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư) là chung cư đầu tiên nộp đơn xin điều chỉnh mục tiêu đầu tư quỹ nhà ở thương mại sang quỹ nhà ở thu nhập thấp. Chủ đầu tư đã xin điều chỉnh thành 55% quỹ đất cho phát triển nhà thu nhập thấp, 45% còn lại cho phát triển nhà ở thương mại.
(Theo CafeF/TTVN)