Ảnh: Vietnamfinance.vn
“Bẫy lợi nhuận” khiến đại gia Việt sa lầy ở Cocobay?
Hàng loạt dự án cam kết lợi nhuận 10 – 12%/năm
Trong giai đoạn bùng nổ của thị trường condotel 2015-2017, việc cam kết lợi nhuận của chủ dự án dao động từ 10 – 12%, thậm chí 14% là những chính sách bán hàng vô cùng hấp dẫn cho người mua khi mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Thực tế, trên thị trường hiện nay, đa số các ông lớn địa ốc làm condotel đang áp dụng mức lãi suất 10-12%/năm. Trong đó, Tập đoàn CEO (CEO Group, HoSE: CEO) cam kết lợi nhuận 10%/năm trong 10 năm cùng nhiều chính sách hấp dẫn khác cho khách hàng tại dự án Sonasea Condotel & Villas tại Bãi Trường, Phú Quốc.
MIKGroup cũng cam kết lợi nhuận tối thiểu 10%/năm vào condotel Mövenpick Resort Waverly Phú Quốc và hoàn vốn sau 7 năm. Từ năm thứ 9 - 20, chủ đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận từ kinh doanh 20 triệu/tháng và từ năm thứ 20 trở đi thu nhập dự kiến sẽ lên tới 50 triệu/tháng. 15 đêm nghỉ miễn phí mỗi năm cũng là đặc quyền dành cho chủ sở hữu các căn condotel tại đây.
Công ty CP đầu tư và dịch vụ Thuận Phát cũng cam kết lãi suất condotel đối với khách hàng mua biệt thự, căn hộ tại dự án Phoenix Legend Hạ Long (phường Bãi Cháy, Quảng Ninh). Theo đó, ông lớn địa ốc này cam kết, khách sẽ được nhận lợi nhuận không thấp hơn 10%/năm tính trên giá bán căn hộ trong 10 năm. Sau 10 năm, nếu khách có nhu cầu bán, Thuận Phát cam kết mua lại với giá không thấp hơn 130% trị giá căn hộ ban đầu.
Trước đó, năm 2016, tổ hợp giải trí Cocobay của Tập đoàn Thành Đô (Empire Group) đã gây sốt tại thị trường Đà Nẵng khi ra mắt. Với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, quy mô hơn 31ha, dự kiến khi hoàn thành, Cocobay sẽ trở thành “Las Vegas Á châu” - tổ hợp du lịch và giải trí đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á.
Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng vừa có thông báo chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel. Ảnh: cocobay |
Thời điểm đó, những ai đến tham quan dự án đều bị choáng ngợp trước sự hình thành của hàng loạt cao ốc căn hộ condotel, kèm theo công trình tuyến phố đi bộ, các cửa hàng ẩm thực, giải trí vui chơi, giải trí…
Đáng chú ý, khi mở bán dự án, chủ đầu tư chào mời nhà đầu tư với những con số lợi nhuận hấp dẫn khi cam kết lợi nhuận 12%/năm trong 8 năm đầu tiên với khách hàng sở hữu Condotel.
Tuy nhiên, niềm hân hoan không kéo dài quá lâu. Mới đây, công ty này đã phát ra thông báo với khách hàng của họ, kể từ 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Theo tính toán của một doanh nghiệp, chỉ cần tỷ lệ lấp đầy 40% sẽ đảm bảo được mức lợi nhuận 10% cho nhà đầu tư. Cam kết lợi nhuận cao đã khiến “chiêu” kinh doanh này thực sự hấp dẫn, và thu hút được rất đông nhà đầu tư xuống tiền, cho dù trên thực địa dự án, tất cả mới chỉ bắt đầu.
Nhà đầu tư mắc “bẫy’ lợi nhuận
Năm 2016, Tiến sỹ Toán học Mai Huy Tân - nhà sáng lập CTCP xúc xích Đức Việt đã bán công ty này cho Tập đoàn Daesang Corp (Hàn Quốc) với giá 32 triệu USD (tương đương 720 tỷ đồng bấy giờ).
"Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì giàu". Với lượng tiền lớn có sẵn trong tay, ông quyết định lựa chọn kênh đầu tư là bất động sản.
Năm 2017, ông Tân xuất hiện trên nhiều báo vì đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dự án Cocobay Đà Nẵng. Thời điểm đó, lựa chọn Cocobay, ông Tân lựa chọn bởi tiêu chí "đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng thì lợi nhuận đem lại sẽ cao hơn hẳn phần lãi suất của ngân hàng".
Trong khi đó, lãi suất ngân gửi cao nhất thời đó các ngân hàng áp dụng là 8%/năm, còn condotel Cocobay đã áp dụng mức lợi nhuận cam kết từ chủ đầu tư tối thiểu đã là 12%/năm. Theo lời giới thiệu, đây chỉ là con số trong 8 năm cam kết. Từ năm thứ 9 trở đi, mức lợi nhuận cho nhà đầu tư sẽ đạt khoảng 15%, tức cao hơn gần gấp đôi lãi suất từ ngân hàng mang lại.
"Tôi có thể hình dung, chỉ 2-3 năm nữa, một tổ hợp du lịch giải trí sôi động, nhộn nhịp được hình thành nên. Sẽ có rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến Cocobay như cách họ tìm đến Las Vegas (Mỹ) để được lưu trú và vui chơi. Lợi nhuận đến từ hai nguồn này mà Cocobay mang lại cho tôi sẽ là một con số lớn - một con số mà tôi tin rằng nó khiến tôi hài lòng", ông Tân từng hồ hởi như thế...
Theo ông Hà Tôn Vinh, Chuyên gia kinh tế Mỹ và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Stellar Management, sở dĩ trong thời gian qua, các dự án condotel luôn “cháy hàng” là do những lời chào, những tỷ lệ đầu tư, hỗ trợ hấp dẫn, am kết lợi nhuận cao. “Ví dụ, như mình bỏ tiền vào ngân hàng, nếu là tiền USD sẽ không có lời, còn tiền Việt thì ngưỡng lợi nhuận trung bình các ngân hàng có thể trả vào khoảng từ 6% - 7% đến 8%, khá nữa thì 8,5%; nhưng tự dưng có doanh nghiệp bất động sản đưa ra mức 10% rồi 11%, 12%, thì người ta sẽ bỏ ngân hàng chạy theo bất động sản”.
“Vì con người có cái tính – mình không gọi là tham, nhưng họ chỉ nhìn thấy cái lợi, mà nhiều khi lợi nhiều quá khiến con người mờ mắt. Nhà đầu tư thấy cái lợi là họ theo. Biết được tâm lý đó, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã đưa ra những cái lợi vượt mức chịu đựng của thị trường và của chính họ”, ông Vinh nhấn mạnh.
Cùng trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, dự án condotel tại Đà Nẵng phải đàm phán lại với khách hàng vì hứa trả lợi nhuận quá cao, dẫn đến không có khả năng thực hiện. “Điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư còn tham lam, không tính đến tính khả thi. Theo tôi, nếu cam kết lợi nhuận từ 8 đến 12 %/năm thì chủ đầu tư đều phải lấy lợi nhuận từ nguồn khác bù vào”, ông Nguyễn Trần Nam phân tích.
Cocobay ngưng trả lợi nhuận cam kết: Chuyên gia nói gì?
Đà Nẵng nói gì về dự án Cocobay?
Condotel ẩn chứa một số rủi ro
Nguồn Tổng hợp