Ảnh: Tuoitre.vn

 
Duyên Hà Chủ Nhật | 23/02/2020 08:00

Bất động sản TP.HCM: Thủ tục kéo dài, dự án ách tắc, doanh nghiệp than thiệt hại lớn

Đại diện các doanh nghiệp cho biết, quy trình thủ tục kéo dài, dự án “ngâm” quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

11 tháng xử lý chưa xong quyết định chủ trương đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho hay, hiện nay, đang gặp nhiều vướng mắc trong quy trình thủ tục triển khai một dự án bất động sản, quy trình xác định tiền sử dụng đất (SDĐ), xử lý phần đất công (đường giao thông, mương, kênh rạch...) trong dự án tư nhân.... Những nhóm vấn đề vướng mắc này hiện nay đang làm cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều dự án bị bế tắc; nhiều dự án bị tắc vì chỉ vướng một tỷ lệ rất nhỏ đất công xen cài trong dự án; nhiều dự án được xây dựng đất có nguồn gốc đất công bị đình hoãn vô thời hạn khi bị thanh tra, kiểm tra....

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong vấn đề lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM). Dự án này có quy mô hơn 2.100 căn hộ. Công ty Lê Thành nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành do các sở ngành chưa tìm được hướng tháo gỡ về quy hoạch cho dự án.

Cụ thể, khu vực công ty xin lập dự án được quy hoạch chức năng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng và mật độ xây dựng 30%. Tuy nhiên hệ số sử dụng đất chỉ cho 2 nên chủ đầu tư không làm được. Theo tính toán, nếu với tầng cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% thì hệ số sử dụng đất phải cho lên 4,5. Chưa kể theo quy định dự án nhà ở xã hội được phép tăng thêm 50% hệ số sử dụng đất. Công ty nhiều lần kiến nghị các sở ngành liên quan tính toán tăng hệ số sử dụng đất lên nhưng chưa được giải quyết.

Hàng loạt dự án đình trệ vì ách tắc thủ tục đầu tư. Ảnh: baomoi.com
Hàng loạt dự án đình trệ vì ách tắc thủ tục đầu tư. Ảnh: baomoi.com

Nghịch lý hơn, khi công ty này tính toán theo hướng áp dụng hệ số sử dụng đất 2 để điều chỉnh chiều cao dự án xuống nhà ở thấp tầng, quy mô 5 tầng thì các sở cũng không cho vì khu vực này quy hoạch cao tầng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai - cho biết doanh nghiệp có 6 dự án bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại lớn, đặc biệt là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô 91 ha.

Bà Loan cho biết, dự án này đã kéo dài 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục, công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh.

"Các đối tác nước ngoài đầu tư vào dự án của chúng tôi đã nản, muốn rút khỏi dự án. Chúng tôi rất đau lòng, không biết thủ tục dự án sẽ đi đâu về đâu", bà Loan nói.

Tiền “ngâm” trong đất do quy trình thủ tục kéo dài

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, để thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước. 1. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; 2. Trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; 3. Làm thủ tục giao thuê đất; 4. Doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. 5. Được cấp “sổ đỏ” dự án; 6. Doanh nghiệp được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Song, đa số các doanh nghiệp bất động sản cho rằng quy trình 6 bước quá dài, cần rút ngắn lại thành 4 bước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt nhất.

đa số các doanh nghiệp bất động sản cho rằng quy trình 6 bước quá dài, cần rút ngắn lại thành 4 bước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt nhất. Ảnh: DH
đa số các doanh nghiệp bất động sản cho rằng quy trình 6 bước quá dài, cần rút ngắn lại thành 4 bước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt nhất. Ảnh: DH

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, đến bước thứ 6 mới cho doanh nghiệp làm giấy phép xây dựng là quá dài. “Đặc biệt, mới đến bước thứ 4 đã bắt doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; trong khi từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian, mà thời gian này doanh nghiệp không làm được gì khiến tiền tiếp tục “ngâm” trong đất. Thực tế, đến lúc này doanh nghiệp đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất… Những khoản tiền này cũng là tiền đi vay từ ngân hàng. Nếu dự án “ngâm” quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên và toàn bộ chi phí này tính vào giá thành, khách hàng là người gánh chịu cuối cùng”, ông Lực cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc SSG chia sẻ, thực tế rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gồng mình lên để thực hiện dự án. Quy trình thực hiện dự án 4 bước, 5 bước hay 6 bước không quan trọng mà quan trong là mất bao lâu để thực hiện các bước đó. Doanh nghiệp luôn mong muốn được nộp tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt. Thực tế thì quy trình vẫn phải thực hiện nhưng cần phải nhanh. Nếu không thực hiện nghĩa vụ tài chính trước thì có một số doanh nghiệp chưa xong đã bán lúa non, chưa biết tiền sử dụng đất bao nhiêu đã bán, bán hớ, bán giá thấp khi doanh nghiệp phá sản lại kêu.

“Các sở ban ngành thẩm định để cho doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt. Điều này thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể đi các bước tiếp theo trong việc thực hiện một dự án”, đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh.

►Dự án kéo dài 12 năm, qua 5 đời chủ tịch tỉnh vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong

Dự án “đóng băng”, thị trường bất động sản còn sẽ còn suy giảm trong vài năm tới

Sốt đất nền cục bộ, tái xuất dự án ma trong đầu năm 2020