Thời điểm trước và sau khi quyết định thành lập thành phố Thủ Đức, giao dịch bất động sản ở khu vực này đã sôi động. Ảnh: Qúy Hòa.
Bất động sản Thủ Đức sau 1 năm "lên thành phố"
Thành lập từ ngày 1/1/2021 đến nay, Thủ Đức đang giữ vị trí rất quan trọng trong các hoạt động phát triển kinh tế - tài chính, khoa học - công nghệ của TP.HCM, trong đó có mảng bất động sản.
Giá tăng đều
Thời điểm trước và sau khi quyết định thành lập thành phố Thủ Đức, giao dịch bất động sản ở khu vực này đã sôi động. Đây là tín hiệu thường gặp ở các đô thị, thành phố, thị trấn khi được nâng cấp, kéo theo sức hút và mức độ quan tâm về thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết các điểm nóng bất động sản mới tại TP.HCM đều là những nơi phát triển về hạ tầng giao thông. Trong đó, Thủ Đức hội đủ nhiều điều kiện để bứt phá nhanh chóng trong 5-10 năm tới. Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các dự án hạ tầng và quy hoạch thành phố Thủ Đức đang được thực hiện tốt là yếu tố thúc đẩy sự phát triển tại đây, tạo điều kiện kết nối tối đa giữa thành phố này và các khu vực khác.
Đây cũng chính là lý do khiến nhà đầu tư lựa chọn thành phố Thủ Đức là điểm đến trong vài năm qua. Theo bà Trần Thị Thanh Hiền, nhà đầu tư ở quận 3, TP.HCM, giá nhà ở Thủ Đức đã tăng mạnh khi khu vực này có quyết định thành lập thành phố. Do đó, bà quyết định đầu tư vào căn hộ vừa túi tiền. Thế nhưng, căn hộ giá “bình dân” hiện rất khan hiếm, chủ yếu là căn hộ cao cấp và hạng sang.
“Hiện nay, nếu có dưới 2 tỉ đồng thì rất khó tìm những căn hộ 2 phòng ngủ ở thành phố Thủ Đức. Điều này khiến nhà đầu tư phải bỏ ra nhiều tiền hơn và cân nhắc kỹ hơn về tính thanh khoản. Trong khi đó, với căn hộ đắt tiền thì những sản phẩm này vừa ra mắt đã hết hàng do rổ hàng hạn chế”, bà Hiền nói.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, tính riêng 2 năm vừa qua, giá căn hộ tại thành phố Thủ Đức tăng trung bình khoảng 23%, riêng căn hộ vị trí giáp sông, gần các tuyến hạ tầng trọng điểm có mức tăng trung bình 30-50%, cao nhất vào khoảng 210 triệu đồng/m2. Trong quý III/2021, giá căn hộ tại thành phố Thủ Đức tiếp tục tăng 3-6% so với quý II/2021.
Cũng theo Batdongsan.com.vn, tính từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2021, thành phố Thủ Đức chỉ có khoảng 10 dự án mới chào bán. Từ mức giá trung bình 48 triệu đồng/m2 năm 2020, mặt bằng giá căn hộ tại thành phố Thủ Đức đã vượt lên trên 55 triệu đồng/m2. Khu vực này hầu như không còn dự án nào giá dưới 40 triệu đồng/m2. Xét về nhu cầu, mỗi năm thành phố Thủ Đức cần thêm khoảng 200.000 sản phẩm nhà ở phục vụ nhu cầu an cư, trong đó hơn 60% người tìm nhà chọn lựa các căn hộ diện tích từ 50-70 m2 với tầm giá từ 2-3 tỉ đồng.
Cung cầu bắt đầu lệch pha
Các chuyên gia bất động sản nhận định, trước tình hình lạm phát gia tăng, chi phí vật liệu xây dựng leo thang và chi phí phát triển dự án tăng mạnh sẽ kéo theo giá nhà tại thành phố Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung tiếp tục tăng.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, nhận định khu vực Thủ Đức liên tiếp xuất hiện các dự án căn hộ đắt tiền, giá hàng trăm triệu đồng/m2 với tốc độ thanh khoản nhanh chóng. Về cơ bản, nguồn cung không có nhiều, trong khi nhu cầu của người dân có thật nên không ngạc nhiên về sự xuất hiện của những căn hộ giá cao ở khu vực này.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng sản phẩm nhà ở, căn hộ tại thành phố Thủ Đức ghi nhận mức giá cao hơn nhiều so với trước đây do nhiều yếu tố. Trong đó, quỹ đất lân cận trung tâm TP.HCM ngày càng hạn hẹp, trong khi thành phố Thủ Đức ở khu vực gần với quận 1, quận 3 hưởng lợi về những kỳ vọng này.
“Các nhà đầu tư bất động sản đã nắm được những điều kiện thuận lợi về quỹ đất, quy hoạch, nhu cầu của người dân để ra dự án phù hợp với những tiêu chí và kỳ vọng của thị trường. Điều này không có gì ngạc nhiên khi chiến lược giá của các chủ đầu tư thay đổi so với trước đây”, ông Khương cho hay.
Ảnh: Qúy Hòa. |
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, nhận định nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại thành phố Thủ Đức tập trung vào mức giá từ 35-40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các dự án mới chào bán có giá trên 40 triệu đồng/m2. Điều này dẫn tới tình trạng lệch pha cung cầu.
Bên cạnh đó, nguồn cung mới năm 2021 giảm gần 50% so với năm 2020 cũng khiến người mua nhà ngày càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận sản phẩm nhà ở hợp túi tiền. Theo ông Tuấn, điều cần thiết nhất hiện nay là giải tỏa bài toán nhà ở cho tầng lớp trung lưu và những gia đình trẻ. Các chủ đầu tư cần triển khai thêm nhiều loại hình sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, bên cạnh các chính sách thanh toán linh hoạt và hỗ trợ tài chính cho khách hàng.