Huy Vũ Thứ Tư | 21/07/2021 08:00

Bất động sản online ngay kẻo trễ!

Đưa giao dịch bất động sản lên trực tuyến dù tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều trở ngại.

Các lệnh giãn cách do dịch bệnh dường như không làm ảnh hưởng đến các công ty công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (proptech) trên toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bất động sản nhận ra xu hướng này nhưng việc chuyển đổi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Thêm nhiều cơ hội

Redfin là một trong những proptech lớn nhất thị trường Mỹ, đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả trong dịch bệnh COVID-19. Kết thúc quý I/2021, Công ty đạt doanh thu 268 triệu USD, lợi nhuận gộp 42 triệu USD, tăng lần lượt 40% và 229% so với cùng kỳ.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Ông Glenn Kelman, Giám đốc Điều hành Redfin, cho biết từ quý IV/2020, thị phần của Redfin đã tăng gấp đôi so với hằng nằm, kéo tỉ suất lợi nhuận tăng theo rất nhanh. Tương tự, KE Holdings, hay còn biết đến với tên gọi Beike, proptech dẫn đầu thị trường Trung Quốc, cũng có một đầu năm 2021 thành công khi doanh thu thuần đạt 3,2 tỉ USD, tăng 190% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ròng đã điều chỉnh cả năm đạt 229 triệu USD.

Cả Redfin và Beike hoạt động khá tương đồng khi kết nối người mua với người bán thông qua một nền tảng duy nhất. Với người mua, cả 2 cung cấp website hoặc ứng dụng di động để họ truy cập vào danh sách bất động sản ở các khu vực khác nhau cùng các tiện ích như đặt lịch xem nhà.

 

Mức thu phí giao dịch thành công thấp hơn đại lý truyền thống giúp cả 2 có lượng người sử dụng lớn, từ đó phát triển đội ngũ bán hàng riêng. Do phần lớn khách hàng truy cập vào Redfin hay Beike đều để lại thông tin nên chi phí nền tảng này tiếp cận khách hàng, nhân sự thấp hơn so với mô hình truyền thống trong khi hiệu quả gấp đôi. Trước khi dịch diễn ra, cả 2 đều phát triển hình thức xem nhà từ xa như công nghệ thực tế ảo (VR) nên tình hình giãn cách không gây quá nhiều trở ngại cho các công ty này.

Đặc biệt khi kinh tế khó khăn, nhiều nhà đầu tư tìm đến địa ốc giúp các proptech dẫn đầu ở 2 thị trường này có thêm nhiều cơ hội. Redfin dự báo, doanh số bán nhà ở Mỹ năm 2021 sẽ đạt 2.520 tỉ USD, tăng 17% so với năm ngoái, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2013. Tương tự, các nhà phân tích Reuters dự báo giá bất động sản Trung Quốc sẽ tăng 5% trong năm 2021 bất chấp giới chức trách đã tăng cường hạn chế đầu tư vào lĩnh vực này kể từ lệnh giãn cách được bãi bỏ.

Rào cản 2 chiều

Trong 5 tháng đầu năm 2021, bất động sản Việt Nam tăng trưởng tốt khi vẫn hút dòng tiền từ nhiều kênh đầu tư. Tuy nhiên, các dự báo đã chuyển từ lạc quan sang thận trọng khi đợt dịch thứ 4 diễn ra. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Ở chiều cung, các công trình bất động sản sẽ bị trì hoãn do giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn lao động khó đảm bảo vì phải thực hiện khoảng cách an toàn. Các doanh nghiệp cũng buộc phải hoãn kế hoạch ra hàng.

Ở chiều cầu, nhu cầu mua nhà vẫn lớn nhưng sẽ hạn chế do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch khó hoạt động như bình thường, dẫn tới đứt giao dịch. Lãnh đạo một công ty bất động sản giấu tên cho biết doanh nghiệp của ông phải hủy buổi ra mắt dự án mới vì lệnh giãn cách, thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Trong khi các sự kiện bán hàng bị đứt đoạn thì việc chuyển dịch lên online của các công ty bất động sản ở Việt Nam đã hình thành. Nhiều doanh nghiệp địa ốc truyền thống cũng đã đầu tư lên online như Cen Homes, Vinhomes đầu tư Vinhomes Online, Hưng Thịnh đầu tư chiến lược vào Topenland. Thị trường cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp proptech như Propzy, Rever hay Hoozing, nhưng sự chuyển dịch còn khá chậm, chủ yếu dừng ở việc cung cấp thông tin, các giao dịch phần lớn vẫn diễn ra theo mô hình truyền thống.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn, niềm tin và tính pháp lý là bài toán chưa thể giải quyết ở thị trường Việt Nam. Hiện tại, kênh online ở Việt Nam chỉ mang tính tham khảo thông tin như giá cả, vị trí bất động sản là chính. 2 rào cản nói trên cũng dẫn đến việc thanh toán một tài sản có giá trị lớn trên online chưa được nhiều khách hàng chấp nhận.

 

Cũng theo ông Quốc Anh, yếu tố con người thích ứng với mô hình online không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng. Lấy ví dụ, khi hoạt động theo mô hình online, thông tin sẽ phải minh bạch toàn hệ thống để công ty có thể nắm bắt tiến độ khách hàng hiện như thế nào nhưng liệu bao nhiêu nhân viên bán hàng sẽ cung cấp danh sách khách hàng - điều được xem như bí mật kinh doanh của họ. “Nhìn chung, hạ tầng công nghệ ở Việt Nam đã sẵn sàng nhưng con người hoạt động trong đó thì chưa”, ông nói.

Đồng quan điểm, ông Thiệu Lê Bình, Phó Giám đốc khối Chiến lược - Đầu tư Tập đoàn Hưng Thịnh, kiêm Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết cái khó của công ty bất động sản khi đầu tư công nghệ là phải kết hợp được 3 yếu tố thị trường - kinh doanh - công nghệ.

Về vấn đề niềm tin và pháp lý, ông Bình cho rằng đây là bài toán cần sự góp sức của cả doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý. “Trước mắt, ở vai trò doanh nghiệp, chúng tôi phải tạo ra nền tảng công nghệ toàn diện, minh bạch, thì qua thời gian làm thật, công nghệ thật sẽ tạo ra niềm tin. Giải pháp của chúng tôi là phải kết hợp cả online và mô hình truyền thống”, ông Bình nói.