Sức cầu của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ. Ảnh: QH.

 
Nhật Anh Thứ Hai | 24/06/2024 14:49

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang trầm lắng

Triển vọng ngành bất động sản sẽ tích cực hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tuy nhiên, vẫn còn đó những “nốt trầm” ở các phân khúc.

Thị trường bất động sản kể từ đầu năm 2024 đã có dấu hiệu tích cực hơn như thanh khoản gia tăng, giá bất động sản một số phân khúc như chung cư nội đô tăng mạnh. 

Mặc dù vậy, số liệu từ báo cáo của Agriseco Research cho thấy lợi nhuận cả ngành bất động sản ghi nhận sụt giảm tới 62% trong quý I/2024 so với cùng kỳ bởi sự sụt giảm hơn 90% lợi nhuận của Vinhomes do lượng bàn giao các dự án thấp hơn cùng kỳ; các dự án bất động sản đã bán ở Vinhomes Ocean Park 2, Sky Park, Golden Avenue đang trong quá trình xây dựng chưa đến kỳ ghi nhận và dự kiến sẽ được bàn giao trong các quý tới của năm 2024.

 

Ở góc nhìn về thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, triển vọng ngành bất động sản sẽ tích cực hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Bao gồm lãi suất đã về mức hấp dẫn để có thể kích thích phát triển thị trường; sự hoàn thiện về hệ thống pháp lý sẽ giúp thị trường phát triển bền vững; các khoản thu về thuế đất ghi nhận tăng trưởng mạnh là chỉ báo cho sự phục hồi về nguồn cung và có thêm động lực phục hồi từ dòng tiền đầu tư kiều hối. 

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng các thách thức vẫn hiện hữu khi phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn vô cùng trầm lắng; áp lực về trái phiếu vẫn còn đáng lo ngại và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng còn khó khăn. 

Chi tiết hơn về phân khúc nghỉ dưỡng, MBS cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng (biệt thự nghỉ dưỡng, Shophouse nghỉ dưỡng, Condotel) vẫn đang thiếu vắng thanh khoản trầm trọng bởi những vướng mắc trong vấn đề pháp lý cũng như hệ quả của việc phát triển quá nóng ở các chu kỳ trước.

 

Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam (chiếm 80% - 90% tổng nguồn cung cả nước). Hàng loạt dự án đã phải dừng triển khai do vướng pháp lý khiến lượng hàng tồn kho tăng mạnh, nguồn cung mới thì liên tục sụt giảm. Sức cầu của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ với tỉ lệ hấp thụ của biệt thự nghỉ dưỡng/nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng đạt 3,3%/0,9%. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang, các nhà phát triển liên tục đưa ra các chính sách cam kết chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc nhưng thanh khoản vẫn chưa được cải thiện.

Đối với condotel, MBS cho rằng nguồn cung vẫn chủ yếu đến từ hàng tồn kho của các dự án cũ (chiếm hơn 98%), chủ yếu vẫn do vấn đề pháp lý. Theo DKRA, sức cầu chung thị trường ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua (tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 1,3%), lượng tiêu thụ tương đương 35% so với cùng kỳ. 

“Chúng tôi cho rằng phân khúc này sẽ còn trầm lắng trong thời gian dài do việc phát triển tràn lan trong thời gian vừa qua cũng như nhiều dự án không tiếp tục chi trả lợi nhuận, hiệu quả khai thác chỉ ở mức thấp và niềm tin của nhà đầu tư đã bị xói mòn”, MBS nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Giá nhà ở Trung Quốc sụt giảm nhanh mặc dù nỗ lực giải cứu