Sơn Nguyễn Thứ Tư | 19/10/2016 08:00

Bất động sản làm gì khi không còn gói 30.000 tỉ?

Thị trường bất động sản liệu có duy trì được đà tăng sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng kết thúc vào cuối năm nay?

Thị trường bất động sản dường như đang có những bước điều chỉnh quan trọng khi gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường kết thúc sứ mạng của mình vào cuối năm nay.

Theo Thông tư 25 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, các khoản giải ngân cho khách hàng cá nhân từ gói 30.000 tỉ đồng sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi cho đến hết ngày 31.12.2016; các khoản giải ngân sau đó sẽ theo lãi suất thỏa thuận tùy diễn biến của thị trường.

Sau 3 năm thực hiện, gói hỗ trợ này đã phần nào đạt mục tiêu đề ra về tiến độ triển khai. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 5, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay hơn 34.800 tỉ đồng và giải ngân theo tiến độ dự án là 25.800 tỉ đồng.

Mặc dù quy mô vẫn còn khiêm tốn nhưng với lãi suất ưu đãi 5%, gói 30.000 tỉ đồng đã phần nào tạo bệ đỡ cho thị trường, củng cố niềm tin cho người mua và các nhà phát triển dự án, giúp thị trường địa ốc bước vào chu kỳ phục hồi kể từ năm 2015 sau thời gian dài đóng băng.

Ở một số doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà có giá vừa túi tiền (chiếm đến 80% cơ cấu sản phẩm) như Nam Long, họ đã tận dụng khá tốt cơ hội từ gói 30.000 tỉ đồng này để đẩy mạnh ra mắt các dòng sản phẩm Ehome. Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Kinh Doanh và Marketing của Công ty Đầu Tư Nam Long, kể từ khi gói 30.000 tỉ đồng có hiệu lực, tính đến nay khoảng 1.250 sản phẩm của Công ty đã được mua từ gói này, giúp cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh trong thời gian qua.

“Đối với thị trường, gói 30.000 tỉ đồng mang lại sự hỗ trợ tốt cho người mua nhà với lãi suất thấp và thời gian vay ổn định trong thời gian dài. Việc hỗ trợ người mua thực sự là yếu tố rất quan trọng để khách hàng đặt niềm tin, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững”, ông Quang chia sẻ.

 Đối với doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội như Hoàng Quân, vai trò của gói 30.000 tỉ đồng cũng rất quan trọng, bởi phân khúc này chiếm đến 50% cơ cấu doanh thu của Công ty. Hay tại dự án Jamona Apartment của Sacomreal, 400 trong tổng số 700 căn đã được bán tính đến tháng 3.2016 là sử dụng vốn vay từ gói hỗ trợ của Chính phủ.

Vậy sau khi không còn gói 30.000 tỉ đồng nữa, liệu thị trường bất động sản sẽ duy trì được đà tăng trưởng?

Bat dong san lam gi khi khong con goi 30.000 ti?
 

Để trả lời câu hỏi này là rất khó, nhưng thị trường đang chứng kiến những điều chỉnh mới để thích nghi với tình hình. Theo hãng tư vấn CBRE Việt Nam, nguồn cung mới của thị trường căn hộ trong quý III/2016 đã giảm so với quý trước. Toàn quý ghi nhận tổng cộng 8.016 căn hộ mới từ 23 dự án. Con số này giảm 17% so với quý trước và giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này đồng nghĩa với việc một số chủ đầu tư đang xem xét lại chính sách phát triển; một số dường như đang giãn tiến độ dự án, chờ diễn biến vào cuối năm nay và quý I đầu năm sau để đánh giá lại nhu cầu và xu thế của thị trường.

Công ty Nam Long thì đưa ra một số chính sách mới nhằm hỗ trợ người mua nhà cho thời kỳ hậu gói 30.000 tỉ đồng. “Nam Long đã và đang liên kết với nhiều ngân hàng xây dựng các gói hỗ trợ lãi suất cho người mua. Chẳng hạn, hiện tại, Nam Long đang áp dụng gói lãi suất 6,5% cố định trong vòng 3 năm. Với gói vay này, khách hàng chỉ cần phải trả khoảng 3,5-6,5 triệu đồng/tháng là có thể sở hữu những dòng sản phẩm căn hộ của Nam Long”, ông Quang nói.

Chủ động liên kết tìm nguồn vốn vay có giá rẻ từ ngân hàng cũng là điều Hưng Thịnh tìm kiếm cho các dự án của mình. Công ty cho biết đã hợp tác với khá nhiều ngân hàng như VietBank, VietinBank hay Sacombank để triển khai các gói vay có lãi suất ưu đãi 4,5-7,5% tùy từng dự án. Thời gian vay được kéo dài hơn, có thể lên đến 15-20 năm, thậm chí lên đến 30 năm để giảm bớt chi phí tài chính cho người mua nhà.

Trong khi đó, một số chủ đầu tư khác lựa chọn điều chỉnh lại thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với khẩu vị thị trường. Chủ đầu tư Vietcomreal, chẳng hạn, đã quyết định chọn phương án bán căn hộ Viva Riverside với giá bán thô để tiết kiệm chi phí cho người mua nhà.

“Chúng tôi xây dựng phương án bán căn hộ thô để khách hàng tự thiết kế căn hộ theo ý thích và khả năng tài chính của mình. Dự án được ngân hàng đứng ra tài trợ vốn, bảo lãnh cho khách hàng mua căn hộ”, bà Nguyễn Thị Phước, Tổng Giám đốc Vietcomreal, chia sẻ.

Chủ đầu tư Lê Thành đã mang đến một giải pháp khá sáng tạo về nhu cầu nhà ở cho người mua nhà với dòng sản phẩm diện tích nhỏ, có giá chỉ khoảng 350-408 triệu đồng/căn.

Bat dong san lam gi khi khong con goi 30.000 ti?
Sau quý II có vẻ trầm lặng, số căn hộ bán được trong quý vừa qua lại tăng 32%, đạt 7.811 căn. Ảnh: tapchitaichinh.vn

Nhưng có một ẩn số khác có thể mang đến giải pháp cho các chủ đầu tư trong thời gian tới, đó là hợp tác với các đối tác nước ngoài có tiềm lực mạnh như Nhật, Singapore. Đây là các dòng vốn lớn, chi phí rẻ mà nếu được khai thông, sẽ có tác động tương tự gói 30.000 tỉ đồng hay vốn vay ngân hàng.

Theo ông Thân Thanh Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Sao Khuê, trong đợt đưa đoàn doanh nghiệp địa ốc Việt Nam đi xúc tiến đầu tư ở Nhật vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Công ty đã ghi nhận mối quan tâm nghiêm túc của các nhà đầu tư Nhật. “Hơn 10 tập đoàn lớn của Nhật đang muốn rót đến hơn 2 tỉ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó chủ yếu là TP.HCM và Hà Nội”, ông Vũ nói.

Ở Nam Long, hiện công ty này đang hợp tác với hai đối tác Nhật là Nishitetsu và Hankyu Realty trong việc phát triển các dự án thuộc dòng sản phẩm Flora (căn hộ biệt lập) và Valora (biệt thự).

“Bên cạnh việc khai thác dòng vốn Nhật dồi dào và có chi phí khá rẻ, Nam Long còn áp dụng được những kinh nghiệm phát triển thị trường cũng như các loại hình sản phẩm thiết kế thông minh của người Nhật”, ông Quang nói.

Về phía nguồn cầu, có vẻ như sức mua của người tiêu dùng vẫn khả quan. Sau quý II có vẻ trầm lặng, số căn bán được trong quý vừa qua lại tăng 32%, đạt 7.811 căn.

Sơn Nguyễn