Bất động sản hạng sang Việt Nam thu hút giới đầu tư trong nước và nước ngoài.

 
Văn Đạt Thứ Ba | 16/03/2021 14:00

Bất động sản hạng sang TP.HCM thu hút nhà đầu tư ngoại

Bất động sản chiếm đến 99,7% vốn FDI vào TP.HCM trong 2 tháng đầu năm 2021.

Số liệu này cho thấy sức hút của thị trường địa ốc tại TP.HCM ngày càng tăng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài bất chấp đại dịch COVID-19.

Theo khảo sát của các nhà tư vấn bất động sản, giá bất động sản cao cấp đã tăng khá nhanh trong vài năm gần đây và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và năm 2022, khi ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn đầu tư và sở hữu bất động sản tại TP.HCM, đô thị năng động bậc nhất của Việt Nam.

TP.HCM vừa trở thành 1 trong 5 địa điểm đầu tư bất động sản hấp dẫn nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi thị trường bất động sản thế giới phải oằn mình “chống chọi” với cơn “bão” COVID-19. Kết quả của cuộc khảo sát do nhà tư vấn bất động sản CBRE thực hiện trên 490 nhà đầu tư tại khu vực này vào cuối năm 2020 cho thấy thị trường bất động sản tại thành phố lớn nhất Việt Nam vô cùng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, TP.HCM nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư bất động sản ở khu vực trong nhiều năm nay. Những nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Đông Nam Á thường dành sự ưu tiên đặc biệt cho Việt Nam và TP.HCM là một trong những lựa chọn tối ưu của họ. Bất động sản tại TP.HCM được cho là có nhiều tiềm năng để tăng giá trị và tỉ suất sinh lời khá cao.

Các nhà đầu tư cho biết họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho bất động sản trong năm nay. Gần 40% nhà đầu tham gia cuộc khảo sát này nói rằng họ sẽ trả giá cao hơn 10% so với năm 2020. Hơn thế nữa, có đến 60% nhà đầu tư có dự định mua nhiều bất động sản hơn trong năm 2021, đây là tỉ lệ cao nhất mà CBRE ghi nhận kể từ năm 2016.

“Trứng vàng” của TP.HCM cho nhà đầu tư  

Không phải ngay lúc này, cách đây vài năm, khi dịch COVID-19 chưa xảy ra, hãng tin Bloomberg đã nói rất nhiều về sức hấp dẫn “kỳ lạ” của thị trường căn hộ cao cấp tại TP.HCM, khi ngày càng nhiều người Trung Quốc đồng ý xuống tiền bằng mọi giá để mua nhà tại thành phố này. 

Trong mắt nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc, bất động sản tại thành phố đóng góp 23% GRDP của cả nước là một quả “trứng vàng”. Nhận xét này càng có cơ sở hơn khi nơi đây đang hình thành khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng cũng đang được ráo riết xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận thành.

“Nguyên nhân quan trọng là cơ sở hạ tầng cùng thủ tục hành chính của TP.HCM từng bước và liên tục được cải thiện,” ông David Jackson, Tổng Giám đốc của Colliers Việt Nam, giải thích.

Ngoài ra, sức hấp dẫn của thị trường địa ốc tại đây ngày càng lớn, khi quỹ đất ở khu vực trung tâm thành phố và khu phía Đông đang trở nên khan hiếm, khiến giới siêu giàu Việt và nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua sớm và sở hữu bằng mọi giá. Mức giá chào thuê tại các dự án mới của các chủ đầu tư nước ngoài tăng 5-10% chỉ trong một năm. Có dự án mở bán trong năm 2020 ở khu vực Thủ Thiêm, quận 2 vẫn thu hút sự quan tâm của khách hàng dù giá bán trung bình tới 7.000 USD/m.

Giá chào bán sơ cấp năm 2021 ở các phân khúc sẽ có mức tăng giá trong khoảng từ 1-4% so với năm 2020. Riêng giá căn hộ hạng sang dự kiến tăng 2-7% trong năm 2021, 2022 lên mức 7.500 USD/m nhờ có các sản phẩm mới là căn hộ siêu sang có thương hiệu, theo báo cáo của CBRE.

Ngoài tiềm năng sinh lợi cao, sức hút của thị trường bất động sản tại TP.HCM đến từ sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Các nhà đầu tư dự đoán giá bất động sản sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Việc thành phố liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng đô thị năng động hàng đầu tại khu vực cho thấy nhịp độ phát triển kinh tế và phong cách sống hết sức nhanh chóng, sôi động và hiện đại, tạo nên sức hấp dẫn để thu hút người từ vùng miền khác và người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, ông David Jackson lý giải.

Việc trở thành điểm sáng hiếm hoi trên thế giới giữa đại dịch khiến thành phố này thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, với mức tăng 2.91%.

Bất động sản Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư trong khu vực.
Bất động sản Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư trong khu vực. Ảnh: Zing.vn

Sự gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu một cách nhanh chóng tại thành phố này cũng khiến cho nhu cầu và giá của loại hình căn hộ hạng sang tăng khá nhanh. Tuy nhiên, giá chung cư cao cấp tại thành phố này vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Hiện giá trung bình mỗi mét vuông căn hộ hạng sang tại trung tâm TP.HCM chỉ bằng khoảng 18% hay 14% so với căn hộ có vị trí tương đương tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), ông David Jackson giải thích vì sao bất động sản tại đây lại hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

FDI đổ mạnh vào bất động sản

Việt Nam có được nhiều lợi thế quan trọng trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra và TP.HCM là nơi nhận được nhiều vốn FDI nhất của cả nước.

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường địa ốc tại đây được thể hiện qua những con số của Cục Thống kê TP.HCM. Trong 2 tháng đầu năm 2021, Thành phố nhận 115 triệu USD vốn đăng ký mới. Tuy nhiên, có đến 99,7% vốn đầu tư đổ vào ngành kinh doanh bất động sản.

Tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Thành phố trong 2 tháng vừa qua là 337,8 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút đến 145,1 triệu USD.

Năm 2020, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn FDI vào bất động sản của nước đạt gần 4,2 tỉ USD. Riêng ngành bất động sản tại “đầu tàu” kinh tế của cả nước thu hút 876,3 triệu USD.

Sức nóng của thị trường bất động sản cao cấp tại TP.HCM còn được tạo ra từ các chính sách về nhà ở của Chính phủ. Kể từ khi Việt Nam cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản vào tháng 7.2015, thị trường nhà ở cao cấp trở nên nóng chưa từng thấy.

Dù nền kinh tế có trải qua “cơn địa chấn”, bất động sản tại TP.HCM vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và số người giàu ngày một tăng.

Không ít nhà đầu tư tin rằng TP.HCM có nhiều nét tương đồng về kinh tế với các đại đô thị lớn nhất châu Á cách đây khoảng 15-20 năm, vậy nên cơ hội để có được mức lợi nhuận tốt về trung hạn và dài hạn là rất nhiều, ông David Jackson nhận định.

Với dân số trẻ, đông đảo và tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM vẫn sẽ rất lớn trong thời gian tới, tạo ra thị trường đủ lớn cho các doanh nghiệp có nhiều tham vọng. Tầng lớp trung lưu, thượng lưu ngày càng đông cũng chính là “trợ lực” cho thị trường bất động sản của thành phố nói chung, phân khúc nhà ở hay văn phòng nói riêng, phát triển mạnh mẽ hơn.