Bất động sản hạng sang 2017: Chưa thể cất cánh
Sau một thời gian dài vắng bóng, các dự án bất động sản hạng sang ở TP.HCM đang có dấu hiệu rục rịch. Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, từ quý II/2016, thị trường ghi nhận sức mua trở lại của phân khúc bất động sản hạng sang, có giá chào bán sơ cấp từ 3.500USD/m2 (80 triệu đồng/m2) trở lên. Hoạt động mua bán của phân khúc này im ắng từ năm 2014, sôi động một chút vào quý III/2015 và nay có dấu hiệu nhộn nhịp hơn với lượng cung từ Vinhomes Golden River (khoảng 1.000 căn hộ của khu Aqua), D’.Palais de Louis (242 căn), tổ hợp Madison (187 căn), Waterfront Saigon (33 căn), Lavenue Crown (200 căn), The One (420 căn), The Nassim Thảo Điền (238 căn hộ)... Điểm chung là phần lớn các dự án này đều có vị trí đẹp ở quận 1.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận khảo sát thị trường của CBRE Việt Nam, dự đoán trong năm 2017, căn hộ hạng sang sẽ chiếm khoảng 3% tổng lượng cung. Tỉ lệ này năm 2016 là 1%. “Thiết kế độc đáo, khác biệt, chất lượng công trình và các dịch vụ tiện ích cao cấp sẽ là các yếu tố cạnh tranh quyết liệt của bất động sản ở phân khúc này trong thời gian tới”, bà nói.
Ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc Bộ phận định giá và nghiên cứu Cushman & Wakefield Việt Nam, thì cho rằng năm 2017 phân khúc hạng sang có sự tăng trưởng, nhưng nhóm bất động sản cao cấp lại có nguồn cung khá lớn. Điều này có thể dẫn đến thừa cung nhóm cao cấp và ảnh hưởng đến sức mua phân khúc hạng sang trong tương lai. Ông Phước cũng cho rằng trong năm 2017, phân khúc nhà trung cấp và bình dân vẫn sẽ dẫn dắt thị trường.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho thấy một viễn cảnh không mấy tốt đẹp cho những dự án xa xỉ. Báo cáo chỉ ra đang có hiện tượng lệch pha cung cầu trên thị trường bất động sản, chủ yếu nằm ở phân khúc cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng, dẫn đến sự gia tăng các nhà đầu tư thứ cấp, được dẫn dắt bởi một số nhà đầu cơ chuyên nghiệp. Cùng với đó, việc một số tập đoàn bất động sản lớn đổ mạnh vốn vào hai phân khúc này đang tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường trong năm sau.
Quan sát diễn biến thị trường trong năm qua, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM cho biết thị trường năm 2017 rất khó đoán; cùng với sức hấp thụ của nhóm bình dân và trung cấp vẫn chưa dịu đi, sự trở lại của các dự án hạng sang trong thời điểm này đầy rủi ro. Vị này cho rằng rất có thể các chủ đầu tư muốn tận dụng thời điểm đang lên của chu kỳ bất động sản trong nước để đưa nguồn hàng ra, trước khi thị trường đi xuống.
Trên thực tế, đã có dự án hạng sang phải giảm giá tới phân nửa để thu hút người mua như Saigon One Tower hiện chào giá từ 3.200 USD/m2 (73 triệu đồng/m2) đến hơn 3.500 USD/m2 (80 triệu đồng/m2). Trong khi đó, vào năm 2010, giá căn hộ tại đây lên tới 5.000-6.000 USD/m2.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, vấn đề nằm ở chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư. Theo đó, dựa trên các nghiên cứu nội bộ, họ vẫn trung thành với phân khúc cao cấp hoặc hạng sang vì nhận thấy vẫn còn cơ hội dù thị trường đang có nhiều biến động và không ít chủ đầu tư cùng phân khúc đang phải cơ cấu lại sản phẩm.
“Trên thực tế, một số chủ đầu tư phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang vẫn kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, quan điểm của Hiệp hội vẫn là khuyến nghị các chủ đầu tư nên đa dạng hóa sản phẩm trong thời gian tới”, ông nói.
Dự đoán về tình hình thị trường bất động sản năm 2017, bà Dung, CBRE Việt Nam, cho rằng tổng lượng cung căn hộ và sức mua có giảm nhưng không nhiều và nhóm các căn hộ trung cấp và bình dân, giá chào bán sơ cấp dưới 1.100USD/m2 (25 triệu đồng/m2) sẽ tiếp tục chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng cung vào năm sau
Đông Sang