Nhà mẫu của dự án Grand Marina Saigon tại trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa
Bất động sản hàng hiệu: Bình minh phương Đông
Hơn 50 năm sau khi mô hình nhà ở hàng hiệu (Branded Residences) được “phát minh” ở thành phố New York, các nhà phát triển bất động sản và các thương hiệu khách sạn mới bắt đầu tham gia vào phân khúc bất động sản mới này. Mỹ hiện đang dẫn đầu thị trường với hơn 40% các dự án đã đi vào hoạt động trên toàn cầu, nhưng phần lớn các dự án đang trong giai đoạn phát triển lại tập trung ở khu vực châu Á và Trung Đông, “kinh đô” mới của loại hình nhà ở hàng hiệu.
Ai “phát minh” ra “nhà hiệu”?
Vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, hai doanh nhân nổi tiếng ở New York có cùng một ước mơ, đó là tạo ra một nơi đáng sống hơn bất cứ nơi đáng sống nhất nào trên thế giới. Từ đó, một khách sạn kết hợp với khu dân cư siêu sang được ra đời. Sherry-Netherland Hotel, tòa tháp 38 tầng với 165 căn hộ và 50 phòng khách sạn được xây dựng theo ước nguyện của doanh nhân Louis Sherry, ông trùm ngành kem và bánh kẹo ở Mỹ và ông Lucius Boomer, một đại gia trong ngành khách sạn. Khi đó, công ty kiến trúc danh tiếng Schultze & Weaver được mời để thiết kế tòa nhà được kỳ vọng trở thành một nơi để giới thượng lưu có thể tận hưởng cuộc sống xa hoa, tiện nghi và thể hiện đẳng cấp của mình.
Những người đủ khả năng mua căn nhà hiệu trong tòa tháp này có thể tận hưởng 365 ngày trong một năm ở khách sạn 5 sao mà không phải tốn chi phí thuê nhân viên phục vụ hay quản gia chăm sóc cho căn hộ của mình ngay cả khi họ vắng nhà.
Nằm ở trung tâm thành phố New York và cạnh công viên Manhattan, tòa nhà này nhanh chóng trở thành nơi ở của rất nhiều doanh nhân giàu có và ngôi sao nổi tiếng. Sự ra đời của khách sạn Sherry-Netherland vô tình định hình một phân khúc bất động sản siêu cao cấp mới, một loại hình căn hộ siêu sang được phát triển nhờ vào sự kết hợp giữa công ty bất động sản uy tín và đơn vị quản lý khách sạn danh tiếng.
Gần 100 năm trôi qua và đã có rất nhiều khách sạn sang trọng khác mọc lên, nhưng khách sạn nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm tài chính của thế giới vẫn là một nơi ở lý tưởng mà bất cứ ai đến New York cũng muốn tận hưởng.
Những dự án tiếp theo sau khách sạn Sherry-Netherland chỉ bắt đầu xuất hiện gần 50 năm trở lại đây. Nhưng loại hình nhà hiệu siêu sang này chỉ phát triển mạnh trong 10 năm qua chủ yếu tại thị trường Mỹ và châu Âu. Savills, nhà cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới, cho biết chỉ trong vòng 10 năm, số lượng các dự án bất động sản hàng hiệu trên toàn cầu đã tăng 198% lên 430 dự án với 65.000 căn hộ, nhưng hầu hết các dự án đều tập trung tại Mỹ, nơi loại hình bất động sản này được sinh ra.
Marriott International hiện là thương hiệu dẫn đầu thị trường với 98 dự án đã hoàn thành và hơn 70 dự án đang được xây dựng. Ngoài ra còn có Accor, YOO Inspired by Starck, Four Seasons, Trump và nhiều thương hiệu khách sạn khác cũng đang cạnh tranh quyết liệt trong thị trường này.
Số người giàu tăng gấp đôi
Vì sao giới nhà giàu thích nhà hiệu? Cũng giống như việc mang trên người chiếc túi xách hiệu Louis Vuitton hay Chanel vậy, những thương hiệu thời trang này nổi tiếng làm hình ảnh và thương hiệu cá nhân, đẳng cấp của người sử dụng cũng được tôn vinh. Thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, không chỉ thời trang hay bất động sản. Số người giàu trên thế giới tăng nhanh chóng mặt là một trong những động lực chính cho thị trường Branded Residences phát triển mạnh. Theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), số người có tài sản ròng trên 1 triệu USD trên thế giới đã tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2008 và 2017.
Các triệu phú, tỉ phú này luôn có ước muốn trở thành công dân toàn cầu và sống trong những căn hộ cao cấp bậc nhất tại các thành phố lớn nhất trên thế giới. Họ sẵn sàng chi một số tiền lớn để sở hữu bất động sản tại vị trí đắc địa với dịch vụ an ninh tuyệt đối và chăm sóc nhà, bảo dưỡng nhà cửa ngay cả khi họ vắng nhà. Những công dân toàn cầu thích di chuyển này muốn tận hưởng các dịch vụ với đẳng cấp như nhau khi họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi khái niệm bất động sản hàng hiệu bắt đầu được phổ biến tại châu Á trong vài năm gần đây. Khái niệm đã quá quen thuộc với người dân tại Mỹ, nơi loại hình bất động sản này được sinh ra. Trong khi Mỹ đang là thị trường dẫn đầu trong phân khúc bất động sản này, Trung Đông và châu Á được dự đoán sẽ là “kinh đô” tiếp theo của nhà hiệu vì rất nhiều dự án mới đang được tập trung vào khu vực nàu, Savills nhận định. Đông Nam Á và Trung Quốc đang được xem là thị trường rất tiềm năng cho bất động sản hàng hiệu.
Nhà hiệu “di cư” sang châu Á
Bất chấp đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Savills ước tính trong năm 2021 sẽ có ít nhất 100 dự án bất động sản hàng hiệu được đưa vào sử dụng, rất nhiều trong số này được phát triển ở châu Á. Cứ 3 dự án mới thì có 1 dự án tại châu Á, công ty nghiên cứu thị trường C9 Hotelworks cho biết.
Ở thị trường tiềm năng Trung Quốc, thành phố Hàng Châu, Quảng Châu, nơi có số lượng người giàu tăng nhanh chóng mặt dự kiến sẽ có rất nhiều dự án nhà ở cao cấp mới. Trong vòng 5 năm tới, số lượng dự án bất động sản hàng hiệu tại các thành phố này có thể tăng tới 200%. Trong khi đà tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Mỹ có xu hướng chững lại, kinh tế châu Á đã tăng trưởng ấn tượng trong suốt 3 thập kỷ qua. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo với đà tăng trưởng này, nền kinh tế châu Á sẽ chiếm đến 2/3 nền kinh tế thế giới vào năm 2030.
Kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn này. GDP thực tế của khu vực tính theo sức mua tương đương đã tăng lên 24.500 tỉ USD năm 2009 từ mức 3.300 tỉ USD năm 1980.
Đây là mức tăng 7,5 lần, cao hơn nhiều so với mức tăng 3 lần của toàn cầu. GDP bình quân đầu người ở châu Á tăng gấp 4 lần trong giai đoạn này, theo báo cáo của ADB.
Cũng như các sản phẩm, dịch vụ cao cấp khác, bất động sản hàng hiệu có khuynh hướng di chuyển sang những nơi kinh tế phát triển ổn định để đáp ứng nhu cầu của những người có tài sản ròng cao. Tuy số lượng các dự án Branded Residences đã hoàn thành tại châu Á và Trung Đông còn khá ít hơn so với Mỹ, nhưng số dự án trong tương lai hoặc đang được triển khai nhiều hơn Mỹ và bất cứ khu vực nào trên thế giới. Ở khu vực Trung Đông, Dubai đang vượt New York để trở thành “thủ phủ” của nhà hiệu.
Một dự án mang thương hiệu Ritz Carlton trên thế giới. |
Châu Á chiếm đến 25% các dự án đang trong giai đoạn phát triển trên toàn cầu. Trong khi đó, Trung Đông đóng góp 20% các dự án mới. Mỹ chỉ đóng góp 16% trên tổng các dự án mới, theo C9 Hotelworks. Dubai được dự báo sẽ có thêm 24.000 hộ gia đình siêu giàu trong 5 năm tới. Và nguồn cung cho phân khúc bất động sản này được dự báo sẽ tăng mạnh, theo Savills. Các nhà phát triển bất động sản và thương hiệu khách sạn danh tiếng bắt đầu để ý đến thị trường châu Á vào đầu những năm 90. Four Seasons chính thức tham gia vào phân khúc bất động sản hàng hiệu bằng cách thâu tóm Regent Hotels năm 1992.
Còn Ritz-Carlton, một thương hiệu của Tập đoàn Marriott International cũng bắt đầu phát triển tại thị trường châu Á trong khoảng thời gian này. Ngoài Ritz-Carlton, Trump, Four Seasons cũng đang có mặt tại thị trường này.
Theo Asia Property Awards, các thương hiệu xe hơi như Porsche, Aston Martin, Mercedes cho đến các thương hiệu thời trang như Missoni, Armani, Versace và Bvlgari cũng nhảy vào lĩnh vực bất động sản xa xỉ. Ngoài ra, các thương hiệu đình đám về phong cách sống của gã khổng lồ truyền thông Mỹ Condé Nast, nhà quản lý của các thương hiệu Vogue, GQ, Vanity Fair, Glamour, Wired, Architectural Digest (AD), vừa tiết lộ ý định tham gia lĩnh vực này. Tuy dự án đầu tiên của hãng truyền thông này chưa được công bố, nhưng châu Á rất có thể là thị trường Condé Nast quan tâm.
Điểm nóng Đông Nam Á
Các dự án bất động sản hàng hiệu đang phát triển mạnh tại châu Á trong 2 năm qua. Hiện tại, khu vực này chiếm 1/3 nguồn cung toàn cầu, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của C9 Hotelworks. Sự tăng trưởng vượt bậc này có được là nhờ vào 79 dự án đang trong quá trình triển khai, cung cấp cho thị trường 16.130 căn hộ hàng hiệu ở châu Á đến năm 2025.
Ở châu Á, các dự án Branded Residences mới tập trung phần lớn ở khu vực Đông Nam Á, chiếm hơn 90% trong tổng số dự án. YOO Inspired by Starck, thương hiệu lớn nhất trong lĩnh vực này, đang phát triển nhiều dự án tại Bangkok, Kuala Lumpur, Hồng Kông, và Manila.
Thái Lan đang trở thành thị trường dẫn đầu ở châu Á vì có nhiều dự án đang được triển khai nhất, với tổng cộng hơn 30 dự án, cung cấp cho thị hơn 4.700 căn hộ, chiếm 29% tổng số căn hộ đang hình thành. Thị trường Việt Nam đứng vị trí thứ 3, chỉ sau Thái Lan và Philippines với 8 dự án mới. Trung Quốc cũng đang là một thị trường lớn cho dòng bất động sản siêu sang này, tổ chức này cho biết.
Ở Singapore, Marina Bay Sand là một minh chứng cho sự thành công của loại hình bất động sản hàng hiệu. Dự án cao cấp này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả quốc đảo. Tòa tháp hình con thuyền đã trở thành một nơi ở lý tưởng và là nơi cung cấp nhiều dịch vụ giải trí siêu sang cho giới doanh nhân hay du khách quốc tế.
Bao gồm giá đất, tổng vốn đầu tư cho khu bất động sản cao cấp này lên đến 5 tỉ USD. Nhưng sau khi hoàn thành tòa tháp đã tạo ra 2,7 tỉ USD, tương đương 0,8% GDP của cả thành phố và 30.000 việc làm vào năm 2015, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Singapore.
“Bất chấp những khó khăn thị trường bất động sản châu Á phải đối mặt từ cuộc khủng hoảng COVID-19, chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực bất động sản khu vực này sẽ phục hồi mạnh nhất trên thế giới”, Bill Barnett, Giám đốc Điều hành C9 Hotelworks, cho biết.
Các loại hình bất động sản có giá phải chăng đang gia nhập thị trường do nhu cầu ngày càng tăng trong khi các dự án căn hộ có thương hiệu dành cho giới thượng lưu cũng đang tăng lên. Các thương hiệu khách sạn danh tiếng Marriott, Accor, Dusit, Hyatt, Shangri-La, IHG và Wyndham chiếm đến hơn 58% tổng số dự án mới trong khu vực.
Những dự án bất động sản hàng hiệu JW Marriott và Ritz-Carlton sẽ sớm có mặt tại Việt Nam
Việt Nam đang trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm qua bất chấp đại dịch COVID-19. Ngoài 6 tỉ phú, số người Việt có tài sản ròng trên 1 triệu USD cũng tăng nhanh. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay và những năm tiếp theo. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho các thương hiệu Branded Residences nhắm đến Việt Nam. Với số lượng dự án mới nhiều thứ 3 tại châu Á, Việt Nam đang được xem là một thị trường rất tiềm năng cho phân khúc bất động sản này.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhận định Việt Nam đang là địa điểm lý tưởng nhất cho loại hình bất động sản này. Thực tế rất nhiều thương hiệu đình đám trên thế giới đã phát triển dự án tại đảo Tuần Châu, Hạ Long hay đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Những thị trường phát triển trước trong khu vực như Hồng Kông gần như bão hòa. Nhận thấy tiềm năng lớn ở Việt Nam, Masterise Homes và Marriott đang phát triển dự án bất động sản hàng hiệu lớn nhất thế giới tại trung tâm quận 1, TP.HCM. Grand Marina Saigon, một khu phức hợp quy mô lớn với chức năng nhà ở, văn phòng, và thương mại, dự kiến sẽ khai trương vào cuối năm 2024.
“Sự thành công trong việc phát triển nhiều dự án bất động sản nổi tiếng tại Việt Nam trong hơn 6 năm qua đã củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành của Masterise Homes. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái bất động sản với các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Jason Turnbull, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính của Masterise Homes, tự tin khi nói về việc hợp tác với Marriott phát triển dự án Grand Marina Saigon. Tham gia vào dự án này, Marriott International cam kết tạo ra sự hoàn hảo và tinh tế nhất nhằm mang lại cuộc sống đẳng cấp, tiện nghi ngang tầm với bất cứ dự án Branded Residences nào trên thế giới.
Marriott bắt đầu tham gia vào phân khúc nhà ở có thương hiệu từ năm 2.000 tại Washington D.C. với thương hiệu Ritz-Carlton. Năm 2010, tập đoàn này đã mở dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên bên ngoài nước Mỹ tại Singapore. Chỉ 9 năm sau đó, Marriott phát triển dự án thứ 100 trên toàn thế giới. Khái niệm bất động sản hàng hiệu vẫn còn khá mới mẻ tại phương Đông, nhưng với dự án sắp triển khai, Masterise Homes và Marriott đã sớm nhìn thấy tiềm năng rất lớn và sự dịch chuyển của phân khúc nhà hiệu này từ Mỹ và châu Âu sang châu Á và Trung Đông.