Bất động sản, hạ tầng... sắp đón quỹ 300 triệu USD
Premium United (PUF), một quỹ đầu tư đại diện và quản lý cho nhiều quỹ đầu tư tại Mỹ vừa công bố dự toán khoản đầu tư 300 triệu USD vào cơ sở hạ tầng, bất động sản, dược phẩm và dệt may của Việt Nam.
Đây là khoản đầu tư nằm trong chiến lược đầu tư vào các thị trường mới nổi của PUF giai đoạn sắp tới. Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với ông George Nguyễn, Phó chủ tịch đầu tư PUF khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại buổi họp báo công bố khoản đầu tư trên.
Xin ông cho biết tổng vốn đầu tư PUF rót vào Việt Nam và kế hoạch giải ngân ra sao?
Tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đang có chiều hướng phục hồi sau thời gian khủng hoảng kéo dài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn tham gia vào các thị trường mới nổi, có tiềm năng, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, những chính sách về đầu tư, chính sách cho doanh nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, cũng là một động lực thu hút nguồn vốn đầu tư.
Nắm bắt cơ hội và mong muốn đưa nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, PUF đã ký kết hợp đồng đối tác chiến lược toàn diện với Công ty TNHH IWCC, đánh dấu bước hợp tác song phương và mở ra các cơ hội cho nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ và thế giới vào thị trường Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, trong giai đoạn đầu, PHF dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD và sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng sau 5 năm.
Lĩnh vực nào sẽ được PUF lựa chọn để đầu tư tại thị trường Việt Nam, thưa ông?
Trước mắt, lĩnh vực chúng tôi chọn để đầu tư tại thị trường Việt Nam sẽ là hạ tầng giao thông, dược phẩm và dệt may. Đây là các lĩnh vực rất tiềm năng, bởi Việt Nam là thị trường đang phát triển, cũng đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam có chính sách mở cửa đón vốn đầu tư trong lĩnh vực này với nhiều hình thức hợp tác như PPP…, điều đó sẽ thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài. PUF cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, ở những dự án lớn có cơ sở đạt được kỳ vọng của các bên, PUF cũng sẽ hợp tác với các đối tác hiện hữu để hiện thực hóa đầu tư.
Thực tế, nếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, với nguồn vốn đầu tư 300 triệu USD không phải là quá lớn. Tuy nhiên, nếu có dự án đầu tư phù hợp, có tiềm năng tăng trưởng, PUF sẽ huy động thêm vốn từ các đối tác, có thể lên tới con số 1 tỷ USD.
Ông có thể cho biết, vì sao PUF lại chọn hạ tầng, bất động sản Việt Nam để rót vốn?
Thực tế cho thấy, so với các nước trong khu vực như Thái Lan…, hạ tầng của Việt Nam vẫn còn yếu kém, nên sẽ có nhiều cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Do đó, PUF muốn tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực này.
Cụ thể, PUF sẽ đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng đường cao tốc theo hình thức xây dựng - chuyển giao. Đây là lĩnh vực nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm. Tất nhiên, đối với nhiều tổ chức đầu tư, việc đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của các DNNN là một cơ hội lớn, song trước mắt, PUF chưa chú trọng lắm đến mảng này.
Ngoài ra, một động lực nữa thúc đẩy PUF đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam là tới đây, Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Điều này sẽ giúp ngành giao thông vận tải phát triển và thúc đẩy mạnh mẽ thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào giao thông, trong đó bao gồm các quỹ đầu tư như PUF.
Đối với 2 lĩnh vực dược phẩm và dệt may, kế hoạch đầu tư của PUF sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?
Đối với lĩnh vực dược phẩm, theo quan sát của chúng tôi, hiện Việt Nam mới chỉ có một vài doanh nghiệp có nhà máy sản xuất và có đủ năng lực xuất khẩu sản phẩm vào một số thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng đầu tư vào ngành này sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng nhà máy sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới mở rộng cả thị trường nhập khẩu và xuất khẩu.
Riêng với lĩnh vực dệt may, lợi thế của ngành nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết đã quá rõ ràng. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dệt may Việt Nam để đón đầu cơ hội. PUF với kinh nghiệm và sự am hiểu thị trường Mỹ, châu Âu, chắc chắn chúng tôi sẽ hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Nguồn Đầu tư chứng khoán