Bất động sản dịch vụ hút vốn ngoại
Theo ông Phan Thành, Chủ tịch Hiệp hội, việc UBND TPHCM quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm (rộng trên 1.600 ha, nằm dọc sông Sài Gòn) thành trung tâm mới của thành phố đã tạo lực hấp dẫn lớn cho nhà đầu tư BĐS nước ngoài. Đặc điểm chung của các nhà đầu tư này là đến Việt Nam tìm kiếm đối tác trong nước để hợp tác đầu tư, thông qua hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn xây dựng dự án đang tiến hành, dự án còn chờ gọi vốn, hay dự án trong giai đoạn mua bán, sáp nhập (M&A).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận đầu tư Vina Capital cho biết, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam, thông qua việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới tại thị trường này. Thời gian qua, quỹ đã tiến hành thoái vốn ở một số dự án BĐS khi đạt được giá trị lợi nhuận nhất định.
Dự kiến, trong tương lai quỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm những dự án kỳ vọng sinh lợi cho nhà đầu tư để tiến hành rót vốn, nhất là bối cảnh thị trường có nhiều chuyển biến tích cực như hiện nay.
Số liệu từ cơ quan quản lý đầu tư cho hay, trong 4 tháng đầu năm 2014, riêng trên địa bàn TPHCM, lĩnh vực BĐS đứng đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 302,3 triệu USD, chiếm 41% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư trên địa bàn. Phần lớn các dự án BĐS thu hút vốn ngoại là du lịch, khu resort nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại và nhà ở thuộc phân khúc trung cao cấp.
Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Knight Frank Việt Nam cho biết, qua quan sát thị trường thì dòng vốn lớn đang tiếp tục rót vào lĩnh vực BĐS Việt Nam thuộc về những tập đoàn BĐS Hồng Kông (Trung Quốc). Những dự án mà nhóm nhà đầu tư này chú ý nhiều nhất là các dự án xây dựng khách sạn du lịch, nghỉ dưỡng, kinh doanh giải trí… tại hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM…
Riêng tại Hà Nội và TPHCM, nhà đầu tư ngoại còn chú trọng đến mảng BĐS bán lẻ, trung tâm thương mại. Lý do là vì loại hình kinh doanh này đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Knight Frank Việt Nam cũng dự báo, phân khúc BĐS bán lẻ cũng là tâm điểm hút nhà đầu tư nước ngoài, khi dòng vốn này mong muốn đón đầu giai đoạn Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ năm 2015, theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Mỹ, phụ trách khu vực châu Á tin tưởng, thông thường một chu kỳ khủng hoảng của thị trường BĐS kéo dài khoảng 5 năm. Nếu vậy, thị trường BĐS Việt Nam đã qua giai đoạn đó và đang từng bước phục hồi.
Cùng chung quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) lưu ý thêm, thị trường BĐS không mang lại lợi nhuận nhiều và chóng vánh như chứng khoán. Chu kỳ đầu tư BĐS thường kéo dài từ 5-7 năm, thậm chí là 10 năm. Vì vậy, thị trường thường xuất hiện các hoạt động đầu tư đón đầu của các DN lớn, có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào phân khúc sản phẩm nào, vị trí nằm tại đâu… là vô cùng quan trọng. Việc đầu tư vào thời điểm này tùy thuộc hoàn toàn vào đặc điểm và vị trí của từng dự án BĐS. Đồng thời, mỗi nhà đầu tư có một mục tiêu và kế hoạch đầu tư khác nhau, cũng như khẩu vị rủi ro khác nhau…
Nguồn Thời báo Ngân hàng