Khu công nghiệp Long Hậu.

 
Nguyễn Sơn Thứ Tư | 13/05/2020 08:00

Bất động sản công nghiệp thắng lớn trong làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam

Bất động sản công nghiệp thăng hoa nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Trong khi hầu hết các lĩnh vực đang lao đao vì dịch COVID-19 thì một số ngành nghề vẫn sống khỏe. Điển hình là nhóm bất động sản công nghiệp khi hàng loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 khả quan.

Khu Công nghiệp Long Hậu ghi nhận doanh thu thuần quý I tăng trưởng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ các mảng kinh doanh chủ lực cho thuê đất, nhà xưởng, khu lưu trú đều cải thiện ở mức 2 con số. Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) cũng chứng kiến doanh thu thuần quý I tăng 10,5% lên 1.078 tỉ đồng và lợi nhuận ròng tăng đột biến 51% so với cùng kỳ.

 

Bức tranh kinh doanh tích cực trong quý I cũng hiện diện ở Tổng Công ty Kinh Bắc, Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên. Sự khởi sắc của nhóm ngành khu công nghiệp trong bối cảnh COVID-19 hoành hành khiến cho một số chủ đầu tư khác rục rịch lên kế hoạch tham gia.Tập đoàn Vingroup, chẳng hạn, cho biết sẽ triển khai nghiên cứu khả thi để phát triển các khu công nghiệp, thu hút khách thuê trong và ngoài nước trong năm nay. Các khu công nghiệp sẽ có mô hình kinh doanh linh hoạt, có thể cho thuê nhà xưởng hoặc cho thuê đất đi kèm cơ sở hạ tầng.

Theo nhận định của Vingroup, Việt Nam đang ở giai đoạn tiềm năng để phát triển bất động sản công nghiệp. Trong 5 năm trở lại đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, bình quân đạt 16%, trong đó hơn 70% tổng vốn đi vào hoạt động sản xuất và công nghiệp.

Nắm bắt cơ hội này đi kèm lợi thế chuyên môn tích lũy trước đó trong việc mở rộng quỹ đất, phát triển dự án, Vingroup đang nghiên cứu một số dự án bất động sản công nghiệp để đầu tư và vận hành trong thời gian tới. Đây cũng là hướng đi mới của Tập đoàn trong năm nay, thậm chí mảnh ghép này có thể trở thành một động lực tăng trưởng mới của Vingroup trong bối cảnh mảng kinh doanh nhà ở và du lịch đang gặp nhiều khó khăn.

Một thương hiệu nhà ở khác ở TP.HCM là Tập đoàn Đất Xanh cũng công bố kế hoạch lấn sân vào mảng khu công nghiệp, bất động sản khai thác cho thuê và đầu tư vào các khu đô thị có quy mô từ 100ha trở lên trong thời gian tới.

Trong cuộc chiến giành chiếc bánh thu hút dòng tiền thế giới hậu đại dịch, Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu. Mới đây, Techtronic Industries (TTI), một nhà sản xuất thiết bị điện công nghiệp lớn, công bố sẽ rót 650 triệu USD vào dây chuyền sản xuất tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn. Nhà máy sẽ tập trung vào phát triển thiết bị điện ngoài trời và các công cụ điện không dây cầm tay với công nghệ tích hợp. TTI cũng cho biết khoản đầu tư này sẽ tạo ra tác động tích cực, khiến các công ty vệ tinh của Công ty di dời đến Việt Nam để tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng của TTI.

Tổng Công ty Kinh Bắc cũng cho biết có một đối tác sản xuất điện thoại thế giới đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty để thuê đất tại Khu Công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) với quy mô tổng cộng 60ha. 

 

“Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất khi trước đó quá phụ thuộc vào một quốc gia. COVID-19 có thể là chất xúc tác thúc đẩy quá trình dịch chuyển này nhanh hơn. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghệp trong tương lai”, hãng tư vấn JLL VIệt Nam nhận định.

Trong khảo sát của Nomura Group (Nhật) với 56 công ty có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có tới 26 trong số đó lựa chọn Việt Nam, 11 đến Đài Loan, 8 sang Thái Lan, trong khi chỉ có 3 công ty chọn đến Ấn Độ. “Các quốc gia châu Á và Đài Loan đang chiến thắng trong việc chào đón chuyến bay của các công ty từ Trung Quốc, trong khi Ấn Độ với dân số trẻ và lao động giá rẻ lại đang thua cuộc”, tờ Tfipost của Ấn Độ lo ngại.

Trong số các khu vực trên cả nước thì các khu công nghiệp tập trung ở phía Bắc đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ giới đầu tư, nhờ cơ sở hạ tầng phát triển tốt, giáp với biên giới Trung Quốc. Theo ghi nhận của JLL Việt Nam, mặt bằng giá tại khu vực này có xu thế nóng lên khi mức thuê trung bình trong quý I lên tới 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tương ứng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.