Động lực khiến các công ty đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản công nghiệp là mức tăng trưởng lợi nhuận. Ảnh: Lê Toàn.
Bất động sản công nghiệp nóng cả 3 miền
Tập đoàn Framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức, có danh mục đầu tư trải dài từ Việt Nam, Indonesia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức vừa thuê khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000 m2 tại Khu Công nghiệp KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Đây là hợp đồng thuê 10 năm, được ký kết giữa Framas và KTG Industrial, do Savills kết nối.
Theo ông Fabian Urban, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ giày dép tại Framas Việt Nam, cho biết cơ sở vật chất này cho phép Framas mở rộng sản xuất, đáp ứng được nhu cầu gia tăng của khách hàng, trong đó có những tên tuổi như Nike, Adidas, New Balance.
Thực tế, hợp tác giữa Framas và KTG Industrial là một thương vụ khá đặc biệt. Ông John Campbell, Phó Giám đốc - Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp của Savills, nhận định, thương vụ này đã cho thấy một sự thay đổi thú vị trên thị trường khi khách thuê tìm kiếm những nhà xưởng xây sẵn diện tích lớn. Trước đây, với quy mô thế này, khách thuê phải thuê đất dài hạn (50-70 năm) và tự lo liệu phần xây dựng. Hiện nay, các công ty đã chọn phương án thuê cơ sở vật chất xây sẵn, vừa nhanh, linh hoạt lại ít vốn đầu tư hơn.
Theo JLL Việt Nam, trong quý III/2021, giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp ở miền Nam đạt 114 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Con số này ở miền Bắc là 108 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,1%. Trong khi đó, tình trạng thiếu đất công nghiệp ở các vị trí đắc địa chưa hạ nhiệt. Suốt quý III năm ngoái, không có nguồn cung khu công nghiệp mới nào xuất hiện. Tổng nguồn cung tại miền Nam vẫn ở mức 25.220 ha, tại miền Bắc là 9.900 ha.
Đây có lẽ là lý do để Bắc Giang và Hưng Yên phê duyệt những khu công nghiệp quy mô lớn, 800 ha và 193 ha. Các địa phương tích cực tạo điều kiện mở rộng diện tích bất động sản khu công nghiệp còn vì thấy tiềm năng thị trường đến từ dòng vốn FDI. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, diện tích đất công nghiệp sẽ tăng 115.000 ha so với năm 2020.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng tìm cách lấn sâu vào phân khúc nhà xưởng xây sẵn. Lãnh đạo KTG Industrial từng chia sẻ sẽ phát triển phần đất còn trống (khoảng 30 ha) và mở rộng thêm diện tích ở một số tỉnh, thành khác như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Long An... Bên cạnh đó, còn có những tên tuổi đáng chú ý như Kizuna Việt Nam, Boustead (Singapore), Daiwa House (Nhật).
Ảnh: Qúy Hòa. |
Tuy nhiên, nổi bật nhất trong phân khúc nhà xưởng xây sẵn vẫn là Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW với 7,76 triệu m2 đất công nghiệp thuộc hơn 35 dự án tại 26 vị trí kinh tế chiến lược trải dài trên khắp cả nước. Ông Lance Li, Tổng Giám đốc Công ty BW, cho biết, nhận thấy dư địa tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các nhà máy và nhà kho chất lượng quốc tế trên toàn Việt Nam.
Động lực khiến các công ty đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản công nghiệp là mức tăng trưởng lợi nhuận. Theo Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022 lợi nhuận ròng của khu công nghiệp ước tính phục hồi với mức tăng 18-26% so với cùng kỳ. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC), Tổng Công ty IDICO, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và Sonadezi Châu Đức được cho là có lợi thế nổi trội nhờ quỹ đất lớn. Becamex IDC đang có khoảng 710 ha đất sẵn sàng cho thuê cùng diện tích 1.575 ha... IDICO thì có sẵn gần 500 ha cho thuê khu công nghiệp và dự tính phát triển thêm gần 400 ha nữa. Kinh Bắc hiện có sẵn gần 400 ha cho thuê và sẽ phát triển gần 240 ha nữa ở Bắc Ninh. Riêng Sonadezi Châu Đức chỉ tập trung phát triển ở Bà Rịa - Vũng Tàu, với gần 750 ha có sẵn và 380 ha sẽ phát triển vào năm sau.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nhu cầu thuê đất gia tăng kéo theo sự chạy đua phát triển quỹ đất và các kế hoạch đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Vingroup có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD vào mảng này qua công ty con là Công ty Đầu tư Phát triển Khu Công nghiệp Vinhomes. Tín Nghĩa, Long Hậu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Viglacera cũng không ngoài cuộc chơi.
Đặc biệt, các gương mặt mới xuất hiện trên thị trường này như Hòa Phát, Phát Đạt đều tham gia đầu tư nhà xưởng xây sẵn. Phát Đạt đã mở rộng quy mô đầu tư tại Đồng Tháp với các dự án khu công nghiệp 2.000 ha tại huyện Cao Lãnh đến năm 2030. Trước đó, Phát Đạt lấn sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp với dự án ở Cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), tiếp đó là dự án Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất 1.152 ha tại Dung Quất (Quảng Ngãi).