Ảnh: Bloomberg.com

 
Nguyễn Sơn Thứ Bảy | 21/08/2021 07:30

Bất động sản công nghiệp hút dòng tiền từ Trung Quốc

Bất động sản khu công nghiệp ngày càng thu hút nhiều thương vụ M&A lớn từ Trung Quốc.

Không chỉ là cổ đông chiến lược của nền tảng thương mại điện tử Tiki, Tập đoàn JD.com mới đây công bố dự án JD Property Logistics Park tại Đức Hòa - Long An. Với tổng diện tích đất khoảng 100.000 m2 và diện tích cho thuê từ 6.000-50.000 m2, JD Property Logistics Park có thể đáp ứng một cách linh hoạt nhu cầu của các nhà đầu tư trong nhiều ngành nghề và đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

JD Property Logistics Park chỉ cách trung tâm TP.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 32 km, cách cảng Cát Lái khoảng 70 phút di chuyển. Vị trị gần trung tâm thành phố và gần cảng là lợi thế giúp các nhà đầu tư có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa. 

Ảnh: starlinks.com.vn
Ảnh: starlinks.com.vn

Tính đến cuối năm ngoái, JD.com sở hữu và vận hành tới 900 nhà kho, tổng diện tích sàn 21 triệu m2 trên toàn cầu. Thông qua đầu tư một trung tâm kho bãi có quy mô lớn cùng với đầu tư lớn vào Tiki, JD.com đang sở hữu hệ thống kinh doanh ngày càng sâu rộng ở Việt Nam.

Hay như GLP, một tập đoàn thuộc sở hữu bởi nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc như Hopu Investment Management, Hillhouse Capital Group, China Vanke, Bank of China Group Investment, đưa Việt Nam trở thành thị trường trọng điểm trong các năm tới.

Bước đi đầu tiên mà GLP triển khai là tham gia một liên doanh hướng đến đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD. Trong đó, GLP sẽ bắt đầu với trọng tâm là xây dựng ở Hà Nội và TP.HCM. Một trong những khách hàng đầu tiên sẽ là Jusda, công ty con hậu cần của Tập đoàn Điện tử Foxconn.

 

ESR Cayman Limited (Hồng Kông) liên doanh cùng BW để phát triển và sở hữu Khu Công nghiệp Mỹ Phước 4 ở phía Bắc TP.HCM. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ có khoảng 240.000 m2 diện tích logistics và cơ sở công nghiệp nhẹ.

Các thương vụ đầu tư đáng chú ý còn là việc SF Holdings (Trung Quốc) mua lại 51,8% của Kerry Logistics để mở rộng thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hay như Cainiao, đơn vị cung cấp logistics cho Alibaba, đã đầu tư vào dự án kho bãi tại huyện Bến Lức. 

Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, hiện giờ là thời điểm vàng để tìm các tài sản ưng ý tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư sinh lời cao, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường bất động sản công nghiệp và hậu cần, đang hấp dẫn các nhà đầu tư đại lục.

Động lực đầu tư đến từ sự bùng nổ của thương mại điện tử và xu thế trở thành trung tâm sản xuất mới của vùng. Sự mở rộng của các công ty hiện tại và sự phát triển của các cơ sở sản xuất mới, cùng với sự di chuyển nhanh chóng của chuỗi cung ứng, sẽ là những động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới.

Chi phí lao động cạnh tranh cùng với giá năng lượng thấp đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có chi phí hoạt động thấp nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ còn tích cực theo đuổi các doanh nghiệp có giá trị cao bằng cách làm cho môi trường kinh doanh trở nên dễ thân thiện hơn.

Từ nay đến cuối năm, nhiều dự báo cho rằng lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ vẫn giữ vị thế là một trong những lĩnh vực có triển vọng phát triển tốt nhất. Thị trường này kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận nhiều nhu cầu mới hơn nữa trong tương lai. Đà tăng trưởng sắp tới của bất động sản công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ M&A và nguồn cung mới. 

Trong ngắn và trung hạn, nguồn cung bất động sản công nghiệp được cho là khá dồi dào. Tính đến quý I, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 370 khu công nghiệp mới được thành lập với tổng diện tích hơn 115.000 ha. Trong đó, Bắc Ninh là tỉnh có số lượng dự án tương lai lớn nhất với 5 khu công nghiệp mới... Con số này cho thấy, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có bước chuẩn bị để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.

 

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều công ty đã áp dụng mô hình Trung Quốc +1 nhằm tìm kiếm địa điểm mới để đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung. Việt Nam đang là một điểm đến thay thế được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. “Chúng tôi đang xúc tiến đầu tư khoảng 1 tỉ USD để phát triển các dự án bất động sản logistics trên khắp các thị trường mục tiêu tại Việt Nam trong 3-4 năm tới”, ông Kent Yang, đối tác sáng lập của SEA Logistic Partners (SLP), cho biết.

“Chính phủ Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi. Việc miễn giảm thuế doanh nghiệp cao cũng đã được áp dụng để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong khu vực”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, chia sẻ.

Nhưng không chỉ có Việt Nam, giữa lúc nhiều quốc gia đang vật lộn với khó khăn, các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục gia tăng cơ hội thâu tóm các dự án có tiềm năng trên toàn cầu. Theo Land Matrix, một tổ chức giám sát đất đai châu Âu, trong 10 năm qua (2011-2020) các công ty Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát 6,48 triệu ha đất dành cho nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác mỏ trên khắp thế giới.

Con số này cao hơn rất nhiều so với tổng diện tích đất mà các công ty Anh, Mỹ và Nhật nắm giữ, với quy mô lần lượt là 1,56 triệu ha, 860.000 ha và 420.000 ha. Các quốc gia ưa thích của dòng tiền Trung Quốc nằm ở khu vực châu Á và châu Phi.