Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ chiến tranh thương mại
Dịch chuyển sản xuất
Thuế quan, cụ thể là hàng rào thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, là một “chi phí tăng thêm nhằm kiềm chế tiêu dùng, từ đó làm giảm nhu cầu về kho bãi để lưu trữ hàng hóa”, Ryan Severino, Trưởng phòng Kinh tế của JLL, cho biết.
Dù vậy, động thái này khó có thể kìm lại sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp khi mà ngành thương mại điện tử hiện đang bùng nổ và các công ty công nghệ liên tục săn tìm nhà xưởng. Trong quý đầu tiên của năm 2018, tỷ lệ trống của khu công nghiệp tại Trung Quốc giữ mức thấp kỷ lục 4,8%. Ngược lại, hàng rào thuế gần như kéo GDP thực ở Mỹ giảm khoảng 10 điểm phần trăm trong vòng 12 đến 18 tháng tới, kéo theo sự sụt giảm 20 điểm phần trăm về tăng trưởng giá thuê công nghiệp, Severino nhận định.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi với Trung Quốc và chi phí lao động phải chăng. Theo báo cáo “Việt Nam – Trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á” của JLL, các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, theo chiến lược ‘Trung Quốc +1’. Chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thành lập nhà máy mới tại Việt Nam.
Điều gì sẽ xảy ra?
Trong tương lai, nếu Nhà Trắng thực hiện áp thuế bổ sung 200 tỷ USD, GDP sẽ giảm thêm 50 đến 70 điểm phần trăm trong 12-18 tháng tới, Severino cho biết. Điều này sẽ khiến nhu cầu không gian công nghiệp sụt giảm, đặc biệt là ở các khu vực ven biển, nơi mà các hoạt động nhập khẩu luôn diễn ra nhộn nhịp. Giá chào thuê công nghiệp cũng có thể giảm từ 50 đến 100 điểm phần trăm.
Việc tăng thuế quy mô lớn này "sẽ sớm có những hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với nền kinh tế và thị trường công nghiệp", Severino cho biết, "mặc dù diễn biến có ít khả năng dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế."
Trước đó, trong một báo cáo độc lập, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HoSE: HSC) cũng nhận định các khu công nghiệp sẽ được lợi trong trung đến dài hạn khi ngày càng nhiều các công ty di dời đến Việt Nam Các khu công nghiệp tại Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi trước hết từ sự gia tăng của dòng vốn FDI.
Tổng vốn FDI từ đầu năm đến ngày 20/8 đã tăng 9,2% so với cùng kỳ đạt 11,25 tỷ USD. Trong lĩnh vực này, HSC đánh giá cao Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC). Theo công ty chứng khoán, mảng kinh doanh này của VGC cũng sẽ được lợi do các nhà sản xuất, đặc biệt là các công ty vệ tinh của Samsung đang dần di dời các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.