Mặc dù ban đầu Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1", nhưng đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ. Ảnh: TL.

 
Lâm Minh Thứ Ba | 12/11/2024 17:28

Bất động sản công nghiệp hưởng lợi gì dưới thời Tổng thống Trump?

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia dự kiến sẽ chịu tác động đáng kể trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc với chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa và Cựu Tổng thống Donald Trump. Theo đánh giá đến từ Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia dự kiến sẽ chịu tác động đáng kể trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng bất động sản công nghiệp được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu mang tên "Trung Quốc + 1", nhưng tác động đến dòng vốn FDI đối với thị trường Việt Nam dự kiến sẽ duy trì xu hướng ổn định trước đó. 

 

“Xu hướng này cho thấy các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chuyển hướng sang Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng về sự gia tăng đột ngột của dòng vốn FDI ngay sau khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức. Thay vào đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì quỹ đạo hiện tại và tiếp tục được hỗ trợ bởi chiến lược dài hạn mang tên ‘Trung Quốc + 1’”, Mirae Asset nhận định. 

Tổ chức này cho rằng triển vọng dài hạn cho việc thu hút FDI sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lợi thế cạnh tranh Việt Nam so với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là ở các cường quốc kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Bối cảnh cạnh tranh này sẽ được định hình bởi các yếu tố bao gồm chi phí lao động, năng suất, chất lượng cơ sở hạ tầng và các chính sách nhằm thu hút dòng vốn FDI. 

Trong khi đó, Mirae Asset dự đoán rằng các tác động thực tế sẽ dần hiện hữu vào năm 2025, khi các chính sách mới của Tổng thống Trump được chính thức phê duyệt và thực thi, trong đó tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 có khả năng đối mặt với những trở ngại từ các mức thuế nhập khẩu mới khi cạnh tranh với các sản phẩm nội địa Mỹ hoặc có khả năng chịu mức thuế bình quân cao hơn hơn đối với hàng hóa được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt lên tới 60% hoặc cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Ông đồng thời có ý định tăng thuế nhập khẩu từ 10-20% đối với hàng hóa từ các nước khác. 

 

“Mặc dù ban đầu Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1", nhưng đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, Mirae Asset nhận định. 

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể gặp bất lợi do các biện pháp bảo hộ của Mỹ nhằm ưu đãi các nhà sản xuất trong nước. Nguy cơ bị áp thuế đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được sản xuất tại nước thứ ba cũng là điều đáng lo ngại. 

Ví dụ điển hình là việc Mỹ từng áp thuế hơn 400% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam, với cáo buộc hàng hóa tạm nhập tái xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một động thái làm căng thẳng quan hệ giữa hai đối tác thương mại.

Theo Mirae Asset, một cuộc chiến thuế quan dự kiến sẽ có tác động lan tỏa vượt ra ngoài phạm vi thương mại song phương. Những biện pháp như vậy có thể làm tăng mức giá chung của các sản phẩm nội địa tại Mỹ có khả năng gia tăng lạm phát do cạnh tranh giá trong bối cảnh lãi suất cao. Kịch bản này có nguy cơ dẫn đến tăng trưởng trì trệ và làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ. Hậu quả là, các quốc gia có chính sách tiền tệ bị động hơn và phụ thuộc vào tỉ giá, như Việt Nam, có thể phải đối mặt với những thách thức không lường trước được, bao gồm áp lực tỉ giá hối đoái gia tăng. 

Có thể bạn quan tâm

Dubai & giá đất ở Việt Nam