Bất động sản có cần thêm gói 20.000 tỷ?
Thị trường bất động sản có thể đón nhận thêm một gói hỗ trợ mới, bên cạnh gói 30.000 tỉ đồng dành cho phân khúc nhà ở xã hội đã triển khai 2 năm nay. Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết đã thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về gói tín dụng thương mại hỗ trợ người mua nhà tại các dự án thương mại, các khu đô thị. Gói hỗ trợ thứ hai có quy mô dự kiến lên tới 20.000 tỉ đồng.
Cũng giống như lần ra mắt gói 30.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ lần này đầu tiên sẽ được triển khai thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank.
Nếu kết hợp với gói hỗ trợ trước đó, gói hỗ trợ lần này của Nhà nước sẽ khiến phạm vi đối tượng tác động được mở rộng thêm, cũng như sẽ hướng tới các phân khúc căn hộ, khu đô thị có giá cao trên thị trường. Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nghiên cứu các đặc điểm của gói tín dụng lần này như lãi suất cho vay, lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, thời gian thực hiện và tỉ lệ phân bổ vốn cho các bên có liên quan.
Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước lại chọn thời điểm này để đưa ra gói hỗ trợ mới?
Thị trường bất động sản Việt Nam đang diễn biến khá lạc quan trong nửa đầu năm nay. Theo Bộ Xây dựng, trong tháng 5.2015, cả Hà Nội lẫn TP.HCM có khoảng 1.600-1.650 giao dịch nhà ở chính thức qua sàn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 3 lần so với tháng trước đó.
Báo cáo của công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle cũng phản ánh những tín hiệu tích cực trên thị trường. Tại TP.HCM trong quý 1, đã có 5.200 căn hộ được bán ra, một kỷ lục mới. Sự sôi động cũng diễn ra tại thị trường bất động sản Hà Nội.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trải qua hơn 7 năm gặp khó, bắt đầu từ năm 2013, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu tạo đáy và đến thời điểm hiện nay, thị trường đã chính thức phục hồi và phát triển khá vững chắc.
Vậy với sự phục hồi khả quan như thế, liệu có cần thêm gói hỗ trợ mới? Trên thực tế, nguồn vốn cho thị trường địa ốc vẫn chưa có dấu hiệu thiếu hụt. Dư nợ tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối quý I/2015 đã tăng tới 10,5% so với đầu năm, thậm chí gần bằng mức tăng dự kiến cho cả năm nay.
Thị trường bất động sản còn nhận được sự hỗ trợ của nguồn kiều hối. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, lượng kiều hối chảy về TP.HCM đã tăng khá mạnh 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,7 tỉ USD. Theo dự đoán của Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực này trong năm nay có thể sẽ lên 23-24%, cao hơn so với tỉ lệ 21,2% của năm trước. Đó là chưa kể nguồn vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường bất động sản trong nửa đầu năm nay tiếp tục khả quan.
Giải thích lý do vì sao nên có thêm gói hỗ trợ thứ hai chủ yếu dành cho phân khúc bất động sản thương mại, một đại diện của Bộ Xây dựng cho rằng thị trường bất động sản cả nước đang ở thời kỳ đầu của sự phát triển bền vững. Do đó, bên cạnh các chính sách mới sắp có hiệu lực, gói tín dụng này sẽ là một nhân tố quan trọng để đưa thị trường phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhưng cũng có một số người không đồng tình với gói hỗ trợ mới. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, gói 30.000 tỉ đồng trước đó đã không mấy thành công vì thị trường không tạo ra cơ chế thúc đẩy sự ra đời của các sản phẩm có giá thấp hơn và phù hợp với túi tiền của người dân. “Vậy có thêm gói 20.000 tỉ đồng để làm gì khi gói 30.000 tỉ đồng làm chưa xong. Đó là lãng phí tài sản quốc gia. Tôi không đồng tình với gói hỗ trợ này”, ông Đực trả lời với NCĐT.
Ông Đực cũng hoài nghi về mục tiêu hướng đến của gói hỗ trợ mới. Vì căn cứ vào những phát biểu của Bộ Xây dựng, có thể gói hỗ trợ lần này sẽ hướng đến những người có nhiều tiền hơn là hướng đến những người có thu nhập thấp. Liệu điều này có công bằng?
Mặt khác, việc có thêm vốn mới chảy vào thị trường bất động sản cũng có thể kích thích hình thành một bong bóng mới trên thị trường này. Và giá bất động sản có thể sẽ tăng thêm. Đó cũng là điều ông Đực lo ngại. Hiện nhiều chủ đầu tư sau thời gian dài đắp chiếu dự án đã quay trở lại triển khai hay tung sản phẩm bán ra thị trường. Nhưng theo quan sát của ông, thị trường hiện có khá nhiều sản phẩm cao giá, từ 1 tỉ đồng trở lên và mức giá này không phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân.
“Quan điểm của tôi là để phù hợp với phần lớn người dân Việt Nam, sản phẩm nhà dưới 1 tỉ đồng nên chiếm 60-70%; phân khúc có giá trung bình cao và cao chỉ nên chiếm 30%. Nhưng tôi ngờ rằng hiện nay tỉ lệ này đang hoán đổi cho nhau, gây mất cân đối về cơ cấu hàng hóa và có thể tạo ra nguy cơ lớn cho thị trường”, ông Đực lo ngại.
Sơn Nguyễn