Thị trường bất động sản - xây dựng suy yếu gây áp lực nặng nề đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Ảnh: shutterstock.com.

 
Sơn Nguyễn Thứ Năm | 11/05/2023 07:30

Bất động sản chờ sáng

Bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản đang phát ra những điểm sáng hy vọng.

Thị trường căn hộ TP.HCM quý I/2023 tiếp tục trải qua chuỗi ngày ảm đạm khi chỉ gần 2.900 căn được chào bán ra thị trường. Tỉ lệ hấp thụ chỉ khoảng 33%. Trong khi đó, nhiều dự án vẫn tiếp tục tạm hoãn hay thi công cầm chừng.

Có thể thấy bức tranh thị trường địa ốc - xây dựng vẫn còn ảm đạm trong bối cảnh các điều kiện hỗ trợ thị trường không mấy thuận lợi. Lãi suất vay mua nhà cao từ các quý trước dù có giảm nhưng vẫn trên 12%/năm ở thời điểm hiện tại -  mức còn khá cao so với khả năng tài chính của người mua nhà. Thêm vào đó là tâm lý chờ đợi mức điều chỉnh lãi suất tốt hơn trước nhiều kỳ vọng về các chính sách vĩ mô mới của Nhà nước được ban hành. Điều này cũng góp phần khiến người mua chưa muốn ra quyết định mua nhà trong thời điểm này.

 

Thị trường bất động sản - xây dựng suy yếu gây áp lực nặng nề đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Vì lẽ đó, Chính phủ đang nỗ lực hâm nóng lại thị trường bằng nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau. Điển hình là có thể nhiều doanh nghiệp sẽ được giữ nguyên nhóm nợ dù một số đã vi phạm các cam kết thanh toán đối với khoản vay tín dụng, trái phiếu đến hạn theo thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Bộ Xây dựng cũng sẽ thành lập danh mục các dự án, tiêu chuẩn và điều kiện được hưởng Chương trình tín dụng trị giá khoảng 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Đối với phân khúc bất động sản du lịch, các dòng sản phẩm condotel, biệt thự nghỉ dưỡng chính thức được pháp luật thừa nhận theo Nghị định 10/2023. Hàng trăm ngàn sản phẩm sẽ được cấp sổ, cải thiện niềm tin nơi người mua, góp phần giúp rã đông thị trường.

Một số tín hiệu mới từ thị trường cũng khá lạc quan. Đáng chú ý là những thương vụ M&A ngân hàng diễn ra tấp nập với các thương vụ bán lượng lớn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại có thể sẽ gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp địa ốc. Lý do là các ngân hàng sẽ cải thiện được các hệ số rủi ro theo quy định, được phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tốt hơn.

Nguồn vốn bổ sung từ những nhà đầu tư mới còn giúp ngân hàng dễ thở hơn trong việc xử lý nợ và tiếp tục cấp vốn cho các chủ đầu tư. 3 ngân hàng lớn BIDV, VietinBank, Vietcombank, chẳng hạn, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 10-13%, trong khi VPBank, VIB và HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 24-33% trong năm nay. 

 

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định đợt phát hành riêng lẻ 15% gần đây với SMBC sẽ thúc đẩy hệ số an toàn vốn CAR của VPBank, mở đường cho tăng trưởng tín dụng cao hơn cũng như dễ toan tính hơn trong việc xử lý nợ quá hạn của một số doanh nghiệp. HDBank thì có dư địa để đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay nhờ cam kết xử lý các tổ chức tài chính yếu kém. Còn VIB với trọng tâm cho vay bán lẻ cũng tự tin vào khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Động thái quyết liệt tháo gỡ bế tắc khâu pháp lý của TP.HCM bắt đầu cho ra kết quả. Khu phức hợp ở Thủ Thiêm của Sơn Kim Land, chẳng hạn, được phép tiếp tục bán căn hộ hình thành trong tương lai. Ở thành phố Thủ Đức, dự án của nhà đầu tư GS E&C có dấu hiệu rục rịch tăng tốc với công tác đào đắp đất, hoàn thiện mặt bằng và dự kiến tung ra thị trường các sản phẩm đầu tiên.

Tại Novaland, tổng tài sản cuối năm ngoái đạt gần 258.000 tỉ đồng, trong đó tổng nợ phải trả lên đến hơn 212.900 tỉ đồng. Tuy  nhiên, chủ đầu tư này gần đây đã đàm phán và cơ cấu được phần nợ với các đối tác. Lãnh đạo Novaland cho biết bên cạnh việc tái cấu trúc, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ là động lực giúp doanh nghiệp này sớm hồi phục, vượt qua khó khăn để quay lại với quỹ đạo bình thường. Ở Bình Dương, Tập đoàn Danh Khôi cho biết dự án Astral City đã được khởi động trở lại với sự trợ giúp của chính quyền địa phương trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý và quy trình xác định tiền sử dụng đất.

Niềm tin dần được củng cố nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ, ngân hàng và các nhà đầu tư ngoại có thể giúp bất động sản chạm đáy và bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới từ quý II/2023 dù con đường vẫn còn gập ghềnh ở phía trước. Theo nhận định của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Nhà đầu tư sẽ tiếp tục đối mặt với vấn đề thiếu vốn khi thị trường trái phiếu chưa phục hồi, lãi suất ngân hàng vẫn neo ở mức cao.

“Các chủ đầu tư trong nước cần chủ động tìm kiếm nguồn vốn thay thế như hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, thuê tài chính, huy động vốn từ các quỹ đầu tư, giảm tối thiểu đòn bẩy tài chính và hạn chế đầu tư dàn trải. Đối với những khoản huy động vốn từ ngân hàng thì cần có chính sách quản lý rủi to tài chính hợp lý. Nhưng khó khăn về pháp lý hy vọng sẽ được tháo dỡ dần với việc thực thi Nghị định 10/2023 sửa đổi bổ sung Luật Đất đai”, bà Dương Thùy Dung nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Khách thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM "khó tính" hơn