Doanh nghiệp bất động sản đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thi công trên công trường cũng như tăng cường các ưu đãi bán hàng để tăng doanh thu trong dịp cuối năm. Ảnh: Qúy Hòa.

 
Đại Việt Thứ Ba | 28/12/2021 13:30

Bất động sản “chạy nước rút”

Sau thời gian thị trường trầm lắng do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp bất động sản đang tung kích cầu chốt đơn, bù đắp doanh số.

Doanh nghiệp bất động sản đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thi công trên công trường cũng như tăng cường các ưu đãi bán hàng để tăng doanh thu trong dịp cuối năm.

Kích cầu chốt đơn

Theo báo cáo thị trường mới đây của DKRA Vietnam, trong tháng 11, thị trường căn hộ TP.HCM tiếp tục ghi nhận 5 dự án mở bán. Tất cả dự án đều là giai đoạn mở bán tiếp theo, dự án tái khởi động với khoảng 2.431 căn, gấp 6,6 lần so với tháng trước (371 căn), gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (769 căn).

Bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (Vạn Phúc Group), cho biết thị trường bất động sản đã “bật dậy” khá nhanh cả về cung lẫn cầu sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác.

Theo bà Hương, doanh nghiệp này đã có thời gian chuẩn bị khá dài trong quý III nên nhanh chóng tái khởi động các công trường thi công và tung ra đợt bán hàng cuối năm với các dòng sản phẩm đa dạng như nhà phố, shophouse và biệt thự ven hồ, ven sông.

“Chúng tôi đưa ra các chính sách thanh toán hấp dẫn và linh hoạt cho khách hàng. Theo đó, họ chỉ cần trả trước 30% giá trị căn nhà, sau 24 tháng nhận nhà, khách hàng mới thanh toán giá trị còn lại. Tại dự án Vạn Phúc City, chúng tôi ghi nhận lượng khách quan tâm gia tăng đáng kể, đặc biệt trong tháng 11 và đầu tháng 12 này”, bà Hương nói.

Ảnh: Qúy Hòa.

Công ty này cũng đang gấp rút chuẩn bị khánh thành công trình nhạc nước quy mô hàng đầu Việt Nam vào tháng 3/2022. Ảnh: Qúy Hòa.

Công ty này cũng đang gấp rút chuẩn bị khánh thành công trình nhạc nước quy mô hàng đầu Việt Nam vào tháng 3/2022. Những dịch vụ tiện ích sẽ là ưu thế để doanh nghiệp “chốt đơn” thành công trong tháng cuối cùng của năm 2021.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group, dịch bệnh đã ít nhiều khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp đã chuyển đổi hình thức kinh doanh từ offline sang online để đảm bảo doanh thu trong mùa dịch. Các buổi livestream bán hàng thu hút được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Do đó, doanh thu trong mùa dịch vẫn duy trì ở mức ổn định.

Ông Quyền cho hay, để thu hút nhà đầu tư, khách hàng, doanh nghiệp này đang tung ra các gói ưu đãi hấp dẫn ngay khi khách hàng thực hiện thành công các giao dịch. Điển hình như chính sách chiết khấu lên đến 20%, tặng vàng, voucher nội thất, rút thăm trúng thưởng, nhà cũ đổi nhà mới với sự hỗ trợ của ngân hàng, gói quà tặng khi khách hàng nhận bàn giao sản phẩm lên đến 300 triệu đồng... Các biện pháp khuyến mãi, kích cầu được Công ty áp dụng mạnh mẽ để thu hút khách hàng, đẩy mạnh doanh thu doanh số trong dịp cuối năm.

Trao đổi với NCĐT, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết đang chạy nước rút cuối năm nhằm phục hồi doanh thu bị tổn thất sau đợt dịch bệnh kéo dài. Phương án chủ yếu các doanh nghiệp đang áp dụng chính là giảm giá sản phẩm, giãn thời gian thanh toán cho khách hàng hoặc tặng sản phẩm có giá trị như vàng hoặc xe.

 

Theo số liệu từ DKRA Vietnam, trong tháng 11/2021, thanh khoản thị trường sơ cấp cải thiện đáng kể so với thời điểm đầu TP.HCM nới giãn cách xã hội. Theo đó, lượng tiêu thụ đạt xấp xỉ 68% (khoảng 1.661 căn) trên nguồn cung mở bán mới, tăng gấp 6 lần so với tháng trước (279 căn) và gấp 2,4 lần lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước (702 căn). Phân khúc căn hộ mới tiếp tục tập trung tại 2 thị trường là TP.HCM và Bình Dương, trong đó TP.HCM chiếm 82% tổng nguồn cung mới trong tháng.

Gấp rút gỡ vướng pháp lý

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), chia sẻ, để hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên và tăng doanh thu thì yếu tố quan trọng nhất chính là gỡ vướng các thủ tục pháp lý.

Theo ông Châu, hiện TP.HCM có khoảng 150 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư, gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp và làm sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở. Việc này đã đẩy giá nhà tăng cao, làm thiếu hụt nguồn thu Ngân sách Nhà nước, làm cho việc sử dụng đất kém hiệu quả do chậm đưa đất vào sử dụng và làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thiếu minh bạch.

“Nếu mỗi dự án có mức đầu tư bình quân khoảng 1.000 tỉ đồng thì tổng mức đầu tư của 150 dự án lên đến 150.000 tỉ đồng. Như vậy, Nhà nước đã bị hụt thu 15.000 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng (10%). Nếu các dự án có lợi nhuận 20% bằng 30.000 tỉ đồng thì Nhà nước đã bị hụt thu 6.000 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (20%) và không thu được các nguồn thuế phái sinh khác nếu dự án được đưa vào kinh doanh”, ông Châu nói.

 

Cũng theo ông Châu, do thị trường thiếu nguồn cung dự án, thiếu sản phẩm nhà ở nên đã xuất hiện các tác động tiêu cực. Tác động đầu tiên, chủ đầu tư có sản phẩm nhà ở, nhất là chủ đầu tư dự án lớn có lợi thế, có thể độc chiếm thị trường, làm giá, đẩy giá nhà lên cao nhằm tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19. 

Tác động thứ 2, do thiếu nguồn cung nên các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền đẩy giá lên thành nhà trung cao cấp. Trong 2 năm 2020-2021, thị trường TP.HCM không còn loại nhà ở giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2. Việc này khiến cho giấc mơ mua nhà ở thành phố của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng xa vời.

Để tháo gỡ khó khăn này, mới đây, Chính phủ đã trình “Dự án Luật sửa đổi 8 luật” và được các Ủy ban của Quốc hội tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến, thẩm tra. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và dự kiến có thể triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường vào cuối năm để xem xét giải quyết 5 vấn đề cấp bách để quyết định các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế và an sinh xã hội, trong đó có xem xét “Dự án Luật sửa đổi 8 luật”. 

Sự chia sẻ, lắng nghe và hành động của Chính phủ, Quốc hội đang giúp các doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất sau quãng thời gian dài khó khăn. Khi doanh nghiệp vươn lên, người lao động ổn định đời sống sẽ kéo theo sự tăng trưởng của nền kinh tế, hấp dẫn các nhà đầu tư đến Việt Nam trong thời gian tới.