Thứ Hai | 18/03/2013 17:12

Bao nhiêu vốn sẽ được cho vay với lãi suất 6%/năm?

Tính đến 31/12/2012, 3% tổng dư nợ tín dụng của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước ước tính đạt trên 42.300 tỷ đồng.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2013.

Theo dự thảo, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ được hưởng lãi suất ổn định 6%/năm trong 3 năm (đến 15/4/2016), 7 năm sau đó (đến 15/4/2023), các cá nhân này được hưởng lãi suất hỗ trợ theo quy định của NHNN.

Với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi suất ổn định 6%/năm trong 3 năm đầu (đến 15/4/2016), 2 năm sau đó (đến 15/4/2018) được hưởng lãi suất hỗ trợ.

Để có nguồn vốn cho chương trình này, NHNN yêu cầu 5 ngân hàng thương mại Nhà nước (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB) phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay. Theo tính toán, cuối năm 2012, 3% tổng dư nợ cho vay của 5 ngân hàng này là khoảng 42.300 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay bất động sản của 5 ngân hàngĐơn vị: tỷ đồng
Dư nợ cho vay bất động sản của 5 ngân hàng
(*): Số liệu ước tính tại 31/12/2012 của Agribank
(**): Số liệu mục tiêu của ngân hàng MHB

Ngoài ra, NHNN sẽ dành 30.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho 5 ngân hàng này với lãi suất thấp hơn 1,5%/năm lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng tại cùng thời điểm.

Trước chính sách được coi là sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định.

Theo bản tin cập nhật của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị này cho rằng, chương trình chắc chắn mang ý nghĩa tích cực đối với doanh nghiệp xây dựng và người mua đáp ứng yêu cầu và khoảng hơn 30.000 căn hộ sẽ được bán ra.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho hay mức lãi suất 6%/năm là khá hợp lý và hấp dẫn. Đối với một căn nhà thương mại có giá trị khoảng 1 tỷ đồng, ngân hàng cho vay 800-900 triệu đồng, lãi suất phải trả trong 3 năm đầu chỉ ở mức 4-5 triệu/tháng, bằng hoặc thấp với chi phí đi thuê nhà hiện nay.

Tuy nhiên, các công ty này đều tỏ ra lo ngại về nguồn vốn tín dụng mà các ngân hàng thực tế sẽ cho vay theo chương trình trên.

VCSC cho biết, mặc dù các ngân hàng sẽ được hưởng chênh lệch lãi ròng là 1,5% trên tổng vốn giải ngân cho vay khách hàng cho tới mức 30 nghìn tỷ được hỗ trợ lãi suất của NHNN. Tuy nhiên, vẫn lo ngại các ngân hàng có thể sẽ không có động lực đáp ứng tối thiểu 3% dư nợ tín dụng, do chi phí huy động vốn khó có thể thấp hơn lãi suất cho vay 6%/năm.

Trong khi đó, BVSC nhận định tổng giá tín dụng của chương trình có thể chỉ đạt quanh 40.000 tỷ đồng. Số vốn này chưa thực sự lớn so với nhu cầu của thị trường, hay so với giá trị hàng tồn kho hiện tại của các doanh nghiệp.

Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước Đại biểu Quốc hội phiên ngày 12/11/2012, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản khoảng 40.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên chưa tính tới các sản phẩm tồn kho ở tình trạng dở dang (người mua đã đóng tiền một phần nhưng chủ đầu tư chưa đủ tiền xây dựng).

Theo báo cáo tài chính của 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV, tại 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xây dựng của 3 ngân hàng đạt 94.202,3 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực xây dựng của cả nước (tính tới cuối tháng 11/2012).Trong đó, thị phần cho vay của BIDV chiếm tỷ trọng lớn nhất (15%).

Thị phần dư nợ tín dụng

Nguồn Khampha


Sự kiện