Thứ Ba | 09/10/2012 07:48

Bảng giá đất của Đà Nẵng đã giảm tới 40%

Hiện, Đà Nẵng đang bị thâm hụt nguồn thu từ đất đai. Để thúc đẩy nguồn thu từ đất đai, thành phố Đà Nẵng đã thành lập các phiên đấu giá đất.
Chiều 8/10 đã diễn ra cuộc làm việc của chính quyền thành phố Đà Nẵng với đoàn khảo sát Bộ Kế hoạch & Đầu tư về tổng kết, sửa đổi Hiến pháp 1992.

Thông tin từ hội nghị, một vấn đề mà Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đang phải đối mặt là việc bị thâm hụt nguồn thu từ đất đai do sự đóng băng của thị trường bất động sản. Trong 9 tháng vừa qua, thành phố chỉ thu về được 900 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng được giao thực hiện trong năm 2012 (năm 2010 thu được 4.500 tỷ đồng và năm 2011 thu được 5.100 tỷ đồng). Để thúc đẩy nguồn thu từ đất đai, thành phố Đà Nẵng còn thành lập các phiên đấu giá đất. Bảng giá đất của thành phố hiện cũng đã được giảm tới 40%.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng cho biết hiện thành phố đã thực hiện lập quản lý và quy hoạch tới 90% đất đai trên địa bàn, trong đó đất ở đạt 86%. Về cơ bản đến năm 2014, Đà Nẵng sẽ không còn tình trạng bồi thường, giải tỏa mà chỉ là sự điều chỉnh, giải tỏa nhỏ. Các công trình trọng điểm của thành phố sẽ hoàn thành trước năm 2014.

Tại cuộc họp, liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai hiện nay, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng bày tỏ, sở hữu toàn dân về đất đai nhiều khi không minh bạch. Người dân được giao đất sử dụng nhưng Nhà nước muốn lấy khi nào thì lấy đã dẫn đến một số xung đột giữa Nhà nước với dân. Bởi vậy theo ông Khương, cần phải có cả sở hữu tư nhân về đất đai.

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng đoàn khảo sát - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Võ Trí Thành cũng phân tích: “Việc chủ động thu hồi của Nhà nước trong vấn đề đất đai nhiều khi dễ sinh ra lạm dụng, thiếu minh bạch. Trên thực tế đã cho người dân mua bán, giao dịch về đất đai thì bản chất đấy đã là có sở hữu tư nhân”.

Ông Khương cũng nhấn mạnh nếu cho sở hữu tư nhân về đất đai thì Nhà nước phải có sự hạn chế nhất định trong quyền định đoạt đất đai của tư nhân. “Điều này nhằm tránh tình trạng tư nhân có thể bán đất cho bất kỳ ai, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài, người nước ngoài” - ông Khương nói.

Trước đó, tại một hội nghị tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 tổ chức cuối năm 2011, Đà Nẵng đã kiến nghị cần xem xét cho sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Đến Hội nghị Trung ương V (tháng 5/2012), Trung ương đã quyết nghị phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp tới cũng tiếp tục thể hiện quan điểm này.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện