Bàn chuyện đánh thuế người có nhiều nhà
Ông Huỳnh Quang Hải, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu thuế tài sản, theo đó sẽ tính toán đánh thuế với nhà, nhất là những nhà thứ 2-3 trở lên.
Theo ông Hải, trong năm 2017 có lẽ là chưa thể đánh thuế này. Tuy nhiên, tương lai chắc chắn sẽ phải thu vì không chỉ ngân sách khó khăn mà các nước đã tính thuế này từ rất lâu rồi.
Đánh thuế từ nhà thứ hai trở lên
Theo một chuyên gia ở Bộ Tài chính, thực chất dự án Luật thuế nhà, đất được Bộ Tài chính nghiên cứu và đưa ra lấy ý kiến từ năm 2009, khi đó Bộ Tài chính đưa ba phương án tính thuế nhà ở.
Phương án 1: chỉ thu đối với nhà thứ hai trở lên theo thuế tuyệt đối. Nhà dưới hai tầng không thu thuế, nhà từ hai tầng trở lên có mức thu là 2.000 đồng/m2/năm. Nhà cấp 3 và chung cư thu 1.000-4.000 đồng/m2/năm.
Phương án 2: là thu theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỉ đồng mới chịu thuế 0,03%.
Phương án 3: thu thuế phần diện tích nhà trên 200m. Nhà cấp 4 không thu thuế, còn nhà hai tầng trở lên thì thu 2.000-4.000 đồng/m2/năm. Với nhà chung cư thì thu từ 1.000-3.000 đồng/m2/năm tùy loại nhà.
Tuy nhiên, Luật thuế nhà, đất hay thuế tài sản lại chưa được Quốc hội thông qua vì nhiều ý kiến cho rằng chưa nên đánh thuế nhà, nguồn thu vào ngân sách chưa lớn...
Ngày 30-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, cho rằng thực ra đến lúc này VN mới tính đánh thuế tài sản đối với nhà là quá muộn.
Theo ông Võ, cần đánh thuế vào nhà vì nhà là tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, phải đánh thuế mức cao hơn theo biểu lũy tiến đối với những nhà thứ hai trở lên... Nhà có diện tích đất rất rộng cũng cần phải đánh thuế, bởi theo ông Võ, điều này tạo công bằng cho xã hội.
Đồng tình với chủ trương đánh thuế nhà, PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, khoa thuế - hải quan Học viện Tài chính, cho rằng có nhiều người sở hữu 2, 3 nhà trở lên, họ chỉ ở một, còn những nhà khác thì cho thuê.
Do đó, việc phải đóng thuế nhà không những đảm bảo công bằng mà còn phục vụ công tác quản lý nhà đất, thông qua quản lý thuế.
Tức là quản lý được tình trạng sở hữu nhà đất của cá nhân, từ đó đưa ra các chính sách khác góp phần quản lý sẽ tốt hơn lượng tài sản là nhà trong dân cư.
TS Đỗ Thị Thìn, chuyên gia thuế, cũng đồng tình cho rằng đánh thuế vào người có sở hữu từ hai nhà trở lên cũng là hình thức đánh vào thu nhập từ tài sản.
Sở hữu nhiều nhà thì nên đánh thuế bởi khoản thuế này đánh vào những người có thu nhập cao, nên sẽ tạo ra sự công bằng để điều tiết một phần khoản thu nhập của họ.
Đánh thuế ngăn chặn đầu cơ
Đặc biệt, theo các chuyên gia, thuế nhà sẽ điều chỉnh trực tiếp đến thị trường bất động sản, chống tình trạng tiền đổ dồn vào mua tích trữ nhà, đẩy giá lên, gây khó cho người thực sự có nhu cầu.
Một chuyên gia ngành tài chính cho biết chính sách thuế nhà của VN đang trái ngược với một số nước phát triển. Như ở Mỹ, bỏ tiền ra mua một bất động sản chỉ 100.000-200.000 USD, thậm chí một biệt thự sang trọng cũng chỉ 1 triệu USD.
Còn ở VN chúng ta số tiền này cũng chưa chắc mua được nhà ở trung tâm Hà Nội, TP.HCM. Chính vì không phải nộp thuế nhà, còn thuế đất thì quá thấp nên nhiều người sẵn sàng tích góp, thậm chí vay tiền mua bất động sản chờ tăng giá. Do đó cần phải đánh thuế nhà để ngăn chặn đầu cơ, hạn chế những đô thị ma.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng thuế bất động sản VN đang thấp hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển. Các nước họ đánh thuế nhà đất là 1-1,5% giá thị trường, trong khi chúng ta đánh chỉ 0,03-0,07% theo giá nhà nước.
Trong khi giá nhà nước thấp hơn giá thị trường rất nhiều. “Như nhà tôi đang ở có diện tích 150m2 ở ngay Hà Nội nhưng một năm chỉ phải trả 1 triệu đồng tiền thuế sử dụng đất” - ông Võ nói và cho rằng mức này quá thấp.
“Đó là điều hết sức vô lý vì người dân ở đô thị đang sử dụng rất nhiều tiện ích công cộng cũng như hạ tầng mà lại phải trả phí ít. Ở các nước khác, họ thường lấy tiền thu được từ thuế bất động sản để nâng cấp hạ tầng đô thị...” - GS Võ nói.
Thu ở đô thị, miễn ở nông thôn
Với mục tiêu là đảm bảo công bằng, GS Võ nhấn mạnh chính sách cần phải đánh thuế đô thị, nhất là trung tâm TP lớn và cần miễn, giảm cho tiền thuế nhà đối với những người nghèo, nông thôn, miền núi - nơi có điều kiện hạ tầng hạn chế. Bởi thu nhập của người dân còn khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Chiến khuyến nghị không nên đánh thuế đại trà cho người sở hữu từ hai nhà trở lên, mà phải xác định mức giá trị nhất định. Bởi có trường hợp cũng sở hữu hai nhà, nhưng có một nhà ở nông thôn giá trị thấp thì không nên đánh thuế.
“Năm 2011 Bộ Tài chính xây dựng đề án nhà phải có giá trị từ 1,2 tỉ đồng trở lên mới chịu thuế, thì hiện nay cũng như vậy, có thể nâng lên mức 1,5 tỉ đồng” - ông Chiến nói.
Về mức thuế đối với nhà, theo ông Chiến, ban đầu nên đánh với tỉ lệ thấp trên giá trị căn nhà. Như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay chỉ đánh 0,03-0,07% và cao nhất là 0,2%.
Có thể thực hiện thu theo một năm hoặc hai lần trong một năm, với tỉ lệ thấp, sau đó có thể tính tăng theo lộ trình.
Nhiều nước đánh thuế bất động sản thứ hai Nước Anh vừa áp thuế tài sản phụ trội lên bất động sản thứ hai kể từ ngày 1-4-2016. Cụ thể, với những bất động sản thứ hai có giá trên 40.000 bảng, người mua phải đóng thêm 3% so với mức thuế thông thường. Nhà có giá trên 1,5 triệu bảng, mức thuế lên tới 15%. Theo quy định của Anh, bất động sản thứ hai là bất cứ tài sản nào ngoài bất động sản đầu tiên (nhà chính để ở) dù với mục đích là nhà nghỉ dưỡng, đầu tư hay mua giúp người thân. Cha mẹ muốn mua nhà cho con cái cũng sẽ bị đánh thuế, trừ khi chỉ hỗ trợ một phần - tức đồng sở hữu. Nhưng nếu bán nhà cũ trong vòng 36 tháng sau khi mua nhà thứ hai, người mua sẽ được hoàn trả thuế. Tại Singapore, thuế tài sản phụ trội được áp rất cao trên bất động sản thứ hai, lên đến 7% trên giá mua nhà và 10% đối với bất động sản thứ ba, áp dụng từ năm 2013. Chính sách thuế mới nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ và ổn định giá nhà ở, đặc biệt là cho các dự án nhà ở công. * TS Trần Du Lịch (nguyên phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM): Đánh thuế bất động sản là bình thường Trên thế giới, thuế bất động sản thường là nguồn thu chính của các đô thị. Đã đến lúc chúng ta phải đánh thuế bất động sản, như thông lệ của các đô thị khác trên thế giới. Thuế bất động sản là nguồn thuế ổn định và giúp điều tiết xã hội, quy hoạch đô thị, tạo sự công bằng, có thêm nguồn tài chính đầu tư các dịch vụ công. Thuế bất động sản là nguồn thu duy nhất của các đô thị chứ làm gì có đất mãi để bán. Chúng ta cần nghiên cứu, có đề án cụ thể, đưa ra lộ trình và cách thức đánh thuế cho phù hợp. Về cách thức, có thể áp dụng tương tự như cách đánh thuế thu nhập cá nhân là theo định mức, tùy theo các tiêu chí như vị trí của tài sản, hay diện tích căn nhà. Nghĩa là, tính thuế một căn biệt thự 1.000m2 phải khác với căn nhà nhỏ mấy chục mét vuông. Không có lý do gì căn nhà trị giá vài trăm tỉ đồng mà chỉ đóng thuế một năm chỉ vài triệu đồng như hiện nay. Mỗi người dân có một căn nhà thì không nên đánh thuế, nhưng với căn nhà thứ hai có thể đánh thuế. Nhưng cần xác định nguồn thuế này dùng để đầu tư, xây dựng phúc lợi cho người dân đô thị. Ở các đô thị trên thế giới, một phần nguồn thu thuế này dùng để xây dựng nhà ở xã hội, dành cho địa phương phát triển phúc lợi xã hội. Chứ nếu đặt ra sắc thuế này để điều tiết chung là không ổn. *Ông Ngô Văn Độ (chuyên gia về thuế nhà đất): Phải sửa Luật nhà ở mới đánh được thuế nhà Hiện đất vẫn phải chịu thuế nhưng nhà thì chưa. Tuy nhiên, nếu đánh thuế nhà thì cần phải bổ sung Luật nhà ở theo hướng bắt buộc người có nhà phải đăng ký quyền sở hữu nhà. Hiện nay, Luật nhà ở không bắt buộc người có nhà phải đăng ký mà tùy ai muốn thì đăng ký. Do đó, nếu như hiện nay đánh thuế nhà thì không thể làm được vì không thể biết ông A có sở hữu mấy căn nhà. Mặt khác, cơ sở dữ liệu về nhà đất quốc gia là chưa có. Hiện nay chúng ta đang thu thuế đối với đất phi nông nghiệp trong hạn mức là 0,03% còn vượt hạn mức 0,07% giá trị đất. Tuy nhiên, cũng rất khó thu đúng, thu đủ đối với những người có đất không ở cùng tỉnh. Nếu không sửa Luật nhà ở và không có cơ sở dữ liệu nhà đất quốc gia thì việc tính thuế nhà không thể đảm bảo thu đúng, thu đủ và đảm bảo công bằng giữa người giàu, người nghèo. |