Theo báo cáo quý IV/2021 của Savills Việt Nam, công suất cho thuê tại thị trường Hà Nội thấp hơn so với năm trước. Ảnh: TL.

 
Minh Anh Thứ Hai | 14/02/2022 13:33

Bài toán lấp đầy mặt bằng khối đế bán lẻ tại Hà Nội

Những đơn vị cho thuê bất động sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cú trượt ngành bán lẻ trong năm 2021.

Cú trượt ngành bán lẻ trong năm 2021 cụ thể là phân khúc mặt bằng khối đế các trung tâm thương mại và dự án chung cư tại Hà Nội. Chuyên gia Savills chia sẻ những giải pháp để đảm bảo tỉ lệ lấp đầy và cải thiện hoạt động kinh doanh năm 2022. 

Tình hình hoạt động của mặt bằng khối đế bán lẻ

Những đợt bùng phát dịch kèm theo lệnh giãn cách kéo dài đã khiến năm 2021 trở thành một năm ảm đạm đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã phải trả lại cửa hàng hoặc dừng hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình hoạt động của phân khúc bất động sản bán lẻ.

Theo báo cáo quý IV/2021 của Savills Việt Nam, công suất cho thuê tại thị trường Hà Nội thấp hơn so với năm trước. Riêng hạng mục khối đế bán lẻ ghi nhận mức giảm cao nhất do tỷ lệ lấp đầy thấp từ các dự án mới. 

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, lý giải: “Do phần lớn khách thuê khu vực khối đế TTTM và TTTM-chung cư cung cấp tiện ích cho người dân tại dự án, họ là nhóm đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh đóng cửa kéo dài. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các đơn vị ngành hàng dịch vụ, bao gồm nhà hàng, gym, và spa. Hậu quả là họ phải di dời địa điểm hoặc đóng cửa hàng.”

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội. Ảnh: Savills Việt Nam.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội. Ảnh: Savills Việt Nam.

Thị trường bán lẻ Hà Nội đã cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực khi bước sang năm 2022. Đặc biệt với các nhóm hàng về mỹ phẩm, thời trang, ăn uống và gym, người tiêu dùng vẫn mong muốn lệnh giãn cách kết thúc sớm để sử dụng trực tiếp những tiện ích đó.

Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến người dân sắp xếp lại các ưu tiên và thay đổi mối quan tâm trong tiêu dùng. Cụ thể, 2021 đã chứng kiến sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu trẻ quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khoẻ, góp phần mang lại tiềm năng to lớn cho trung tâm thể dục, spa, phòng khám hay hiệu thuốc. 

Giải pháp lấp đầy mặt bằng khối đế

Trước những thay đổi của thị trường bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh chia sẻ các giải pháp dành cho nhà phát triển bất động sản để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách thuê và giải quyết bài toán về mặt bằng.

Thứ nhất, các đơn vị cho thuê bán lẻ nên cân nhắc điều chỉnh lại phương án giá thuê và thời hạn thanh toán tiền thuê trong thời gian COVID-19. Ví dụ, các hộ kinh doanh có thể được phép thanh toán hàng tháng, thay vì đóng gộp 3 tháng như trước. Để giảm áp lực tài chính cho các nhãn hàng trong giai đoạn phục hồi hoạt động kinh doanh, giá thuê có thể giảm 20-30% và sẽ được thanh toán bù vào các năm sau của hợp đồng. 

Thứ hai, hoạt động truyền thông marketing cũng cần được các nhà phát triển chủ động xem xét và thực hiện để tăng nhận diện cũng như kéo nhiều nhãn hàng bán lẻ về thuê để đảm bảo tỉ lệ lấp đầy tốt và ổn định. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, rất nhiều hộ kinh doanh dè dặt trong việc đi thuê cửa hàng trực tiếp. 

Ảnh: TL.
Thị trường bán lẻ trong năm vừa qua cũng nhận thấy nhu cầu gia tăng trong việc mở rộng cửa hàng flagship thuộc các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, và ẩm thực. Ảnh: TL.

Thứ ba, diễn biến dịch bệnh khó dự đoán cũng yêu cầu nhà phát triển bất động sản phải luôn chuẩn bị phương án dự phòng để sẵn sàng thích nghi. Một phương án tiềm năng mà đơn vị cho thuê có thể cân nhắc là việc phân bổ hoặc tái cơ cấu mặt bằng. Thay vì cung cấp địa điểm cho mục đích thương mại, tầng khối đế thuộc các TTTM và dự án chung cư có thể được tận dụng với công năng cho thuê văn phòng. Các doanh nghiệp đang dần quay trở lại với môi trường làm việc trực tiếp. Điều này vô hình trung khiến nhu cầu về văn phòng tại Hà Nội sang năm 2022 gia tăng. 

Thị trường bán lẻ trong năm vừa qua cũng nhận thấy nhu cầu gia tăng trong việc mở rộng cửa hàng flagship thuộc các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, và ẩm thực. Mặc dù giá thuê mặt bằng bị đẩy lên 15% so với cùng kỳ năm trước do hạn chế về nguồn cung, Savills cho biết nhiều doanh nghiệp bán lẻ hạng sang ở khu vực trung tâm vẫn có dự định đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm:

Bất động sản cho thuê còn hấp dẫn?