Thứ Năm | 17/05/2012 13:47

Ba bước thực hiện quy hoạch thủ đô Hà Nội

Sau khi được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2011, việc triển khai quy hoạch chung Thủ đô đang được thực hiện theo 3 bước.
Theo Vneconomy, tại hội thảo “Chiến lược phát triển quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” sáng 16/5, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc triển khai quy hoạch sẽ được thực hiện theo 3 bước.
Bước một, thành phố đang triển khai quy hoạch các phân khu, trong đó trước mắt là 17 phân khu thuộc các khu vực đô thị đã được UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ triển khai các quy hoạch chuyên ngành.

Hiện nay, Sở Xây dựng đang gấp rút triển khai lập quy hoạch các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong đô thị như quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý nước thải, quy hoạch các công viên, hồ nước, vườn hoa quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015, quy hoạch giao thông vận tải...

Bước hai thành phố sẽ xây dựng các quy hoạch chi tiết thông qua các dự án cụ thể và xây dựng các kế hoạch đầu tư, dự án trọng điểm của ngành.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đây là giai đoạn cần giải quyết các vướng mắc giữa ý tưởng quy hoạch và thực tế và hiệu quả kinh tế của dự án nhằm đảm bảo cho tính khả thi của đồ án.

Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch các dự án đầu tư trong giai đoạn này cần có quy định giới hạn cụ thể và phải được xem xét một cách tổng thể trong toàn khu vực liên quan.

Bước cuối cùng của việc triển khai quy hoạch chung là giai đoạn đầu tư, xây dựng các công trình, hình thành các sản phẩm cụ thể. Cũng trong giai đoạn này, thành phố sẽ tiến hành cấp phép xây dựng các dự án cụ thể, đồng thời sẽ thanh tra trật tự xây dựng sau khi cấp phép.
 
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các dự án chiến lược của Hà Nội trong giai đoạn này là các dự án liên quan đến trung tâm chính trị - hành chính. Cụ thể là trụ sở các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các dự án liên quan đến văn hóa vùng, dự án liên quan đến lịch sử, truyền thống, các khu di tích, hệ thống các trường học, trung tâm nghiên cứu khoa học, kinh tế - tài chính, sân bay, bến cảng...

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam cho biết, sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt khoảng 160 đồ án thuộc các quy hoạch chung, quy hoạch vùng, phân khu, chi tiết...

Thành phố cũng lên kế hoạch các chương trình cần phải ưu tiên đầu tư như phát triển đô thị mới, các cơ sở kinh tế - xã hội chính yếu; cải tạo các khu chung cư cũ, di dời các cơ sở giáo dục, y tế, phát triển nhà ở xã hội...
 
Tuy nhiên, theo ông Chính, hạn chế lớn nhất là việc triển khai quy hoạch chung ở các huyện ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Đơn cử như dự kiến kinh phí đầu tư hạ tầng chỉ trong năm 2012 này cho huyện Thạch Thất đã là 130 tỷ đồng. Hay chi phí ban đầu cho chương trình nông thôn mới cũng lên tới 4.500 tỷ đồng.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện