Theo Savills Việt Nam, với dân số hơn 10 triệu người của TP.HCM và 55% dân số trong độ tuổi trẻ, có khoảng 30% dân số trong nhóm này có nhu cầu mua nhà. Ảnh: Shutterstocks
Áp lực mua nhà tuổi 30
Mốc 30 tuổi “Tam thập nhi lập” thường được coi là thời điểm quan trọng để đánh giá sự thành công của một người. Xã hội Việt Nam có nhiều kỳ vọng về việc đạt được những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp và cuộc sống ở độ tuổi này, bao gồm cả việc mua nhà.
Đòn bẩy & tích lũy
Theo Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản nửa đầu năm 2024 của Batdongsan.com.vn, trong số những người muốn mua bất động sản trong 1 năm tới, 64% là dưới 40 tuổi. Đáng chú ý, khoảng 60% người trẻ từ 22-29 tuổi tự tin có thể mua được nhà trong tương lai.
Còn theo khảo sát sơ bộ của NCĐT, cứ 10 bạn có độ tuổi dưới 30 được hỏi thì chỉ có 1-2 bạn có thể tự mua được nhà, khảo sát này không bao gồm các bạn có sự hỗ trợ lớn từ gia đình. Một số khác có khả năng mua nhà trước tuổi 30 nhưng lại chọn đầu tư tiếp để gia tăng tài sản thay vì sử dụng đòn bẩy để mua nhà.
Trong số những người tham gia khảo sát, Phạm Trang (28 tuổi, quê ở Lâm Đồng) là trường hợp điển hình khi vừa sở hữu được căn hộ chung cư đầu tiên. Cô cho biết mình đã bắt đầu tiết kiệm từ thời sinh viên và làm nhiều công việc khác nhau khi ra trường. Bên cạnh công việc chính, Trang còn dạy thêm ở các trung tâm ngoại ngữ và kiêm luôn làm quản lý chuỗi trà sữa cùng đồng nghiệp. Nhờ đa dạng nguồn thu nhập, chi tiêu tiết kiệm và đầu tư từ sớm, Trang đã trở thành một trong những hiện tượng tiêu biểu của người trẻ tự mua nhà trước tuổi 30.
Tuy nhiên, trong số những người tham gia khảo sát lại có các trường hợp vì quá áp lực chuyện mua nhà đã dẫn đến những sai lầm tài chính nghiêm trọng. Đơn cử như trường hợp của Nhật Minh (29 tuổi, quê ở Bình Phước), giai đoạn 2020-2021, khi thị trường chứng khoán tăng cao, thu nhập từ nghề tư vấn chứng khoán của Minh cũng tăng mạnh mẽ, các ngân hàng chào mời các gói vay với lãi suất ưu đãi. Minh không ngần ngại sử dụng đòn bẩy nhằm tăng nhanh tài sản để sớm mua nhà an cư lạc nghiệp. Nhưng cú sụt giảm hơn 30% của thị trường năm 2022 đã lấy đi toàn bộ số tiền tích lũy của hơn 5 năm đi làm, thậm chí còn gánh trên vai món nợ hơn 500 triệu đồng từ ngân hàng. “Giá như thời gian quay trở lại, mình có thể đã không như bây giờ...”, Minh chia sẻ.
Gánh nặng “bán mình”
Theo Savills Việt Nam, với dân số hơn 10 triệu người của TP.HCM và 55% dân số trong độ tuổi trẻ, có khoảng 30% dân số trong nhóm này có nhu cầu mua nhà. Từ những con số trên, có thể thấy nguồn cầu từ nhóm khách hàng này là rất lớn.
Chia sẻ với NCĐT, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, cho hay, mua nhà trước tuổi 30 ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Số liệu thống kê của FIDT chỉ ra rằng, các bạn trẻ trong độ tuổi từ 25-30 tuổi với mức thu nhập trung bình trên 30 triệu đồng mỗi tháng đã có thể mua nhà bằng phương pháp trả góp, tức là tận dụng dòng vốn vay của ngân hàng để tài trợ cho việc mua nhà.
Tuy nhiên, giá chung cư ở Hà Nội hay TP.HCM đều tăng mạnh và những người trẻ có thu nhập chưa cao sẽ gặp áp lực khá lớn nếu mua nhà. Với căn hộ chung cư khoảng 3 tỉ đồng, phần tiết kiệm thặng dư trước khi mua nhà ít nhất phải từ 1-1,5 tỉ đồng. Nếu sử dụng đòn bẩy đối với 70% giá trị căn nhà còn lại thì với mức lãi suất hiện nay, dòng tiền trả lãi và gốc hằng tháng sẽ quanh mức 18-20 triệu đồng.
Những bạn trẻ có thu nhập trên 30 triệu đồng có thể xử lý được dòng tiền này và việc mua nhà trả góp là phương án khả thi. Đại diện FIDT cũng cho rằng với mức lương này, đa phần các bạn đã có chức vụ quản lý, nên thu nhập cũng sẽ có sự cải thiện tốt theo thời gian, từ đó giúp giảm áp lực dòng tiền trả gốc và lãi hằng tháng.
Trên thực tế, việc người trẻ khó mua nhà không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, tỉ lệ mua nhà của người trẻ cũng giảm mạnh. Báo cáo của Institute for Fiscal Studies cho thấy ở Anh, trong giai đoạn 1995-1996, 65% những người trong độ tuổi 25-34 có thu nhập ở mức trung bình sở hữu nhà riêng, 20 năm sau con số đó chỉ còn 27%.
Cuộc khảo sát do Resolve Strategic thực hiện năm 2023 cho thấy 63% người Úc tin rằng những người trẻ tuổi sẽ không mua được nhà. Kết quả trở nên rõ ràng hơn khi những người trẻ tự trả lời, với 72% số người được hỏi trong độ tuổi từ 18-34 cho biết họ sẽ khó có thể mua được nhà.
Mua nhà là bài toán dài hạn và việc không mua được nhà không phải là thất bại và cũng không phải chuẩn mực để đánh giá một người. Việc mua nhà trong khả năng để không phải “bán mình trả nợ” khác với việc mua nhà để rồi “gồng gánh nợ”. So với việc phải cắt giảm toàn bộ chi phí để trả nợ hằng tháng từ 10-20 triệu đồng thì việc chi 5-6 triệu đồng để thuê nhà, rồi đầu tư vào bản thân để gia tăng thu nhập và tích sản hợp lý lại là một chiến lược có phần thông minh hơn.
Theo chia sẻ của Chủ tịch FIDT, với những bạn trẻ có thu nhập dưới 20 triệu đồng, số tiền tích lũy thặng dư cũng chưa đủ an toàn để có thể ra quyết định mua nhà và áp lực tài chính sẽ rất lớn. Với trường hợp này, ông Tuấn cho rằng các bạn trẻ nên có sự đầu tư vào bản thân để nâng cao năng lực và cải thiện thu nhập. Cùng với đó là có kế hoạch tài chính cụ thể để đạt được những mục tiêu tài chính, thay vì quyết định mua nhà khi năng lực tài chính còn chưa tốt.
Một ví dụ vui nhưng nhìn ở góc độ tài chính lại là một điều rất hợp lý, nếu thu nhập từ 15-20 triệu đồng mỗi tháng mà vẫn muốn mua nhà trước tuổi 30 thì kết hôn với một người có thu nhập tương xứng cũng là một phương án khả thi.
Khi có một kế hoạch tài chính đúng đắn, tập trung vào bản thân, việc mua nhà sẽ đến một cách tự nhiên thay vì bằng những phương thức mạo hiểm để đánh đổi bằng sự an toàn tài chính của bản thân.