Tập đoàn Alibaba tiến thêm một bước nữa trong chiến lược bành trướng bằng kế hoạch đưa trung tâm kho vận có diện tích 110.000 m2 đi vào hoạt động. Ảnh: TL
Alibaba làm nóng thị trường kho vận
Sau khi đặt chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam thông qua thâu tóm Lazada, Tập đoàn Alibaba tiến thêm một bước nữa trong chiến lược bành trướng bằng kế hoạch đưa trung tâm kho vận có diện tích 110.000 m2 Cainiao P.A.T ở Long An đi vào hoạt động nửa đầu năm 2022.
Có vị trí tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, Trung tâm kho vận Cainiao nằm tại nút giao giữa đường Nguyễn Hữu Trí, Quốc lộ 1A và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, giúp tiếp cận thuận tiện đến TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long - nơi sản xuất 20% sản lượng nông nghiệp cả nước. Dự án mang đến các giải pháp lưu kho và vận chuyển hiệu quả, tiết kiệm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với diện tích dao động từ 4.000-10.000 m2.
Mục tiêu khách hàng của Alibaba có thể xem là hợp lý. Việt Nam hiện quy tụ khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó có 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước tình hình nhu cầu trong nước và trên thế giới đang gia tăng đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khắp cả nước đang có cơ hội tăng trưởng.
Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về kho vận ở Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt còn có thể tận dụng cơ hội tại thị trường nước ngoài và tiếp cận cơ sở người tiêu dùng rộng lớn hơn nếu mở gian hàng trên nền tảng Alibaba. Trận chiến chuỗi trung tâm kho vận lớn tại các vị trí chiến lược thực sự nóng lên ngay từ đầu năm khi nhà đầu tư BW mới đây đã mua lại lô 74.000 m2 nằm trong Khu Công nghiệp Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh). Giá trị M&A không được công bố chi tiết.
Với vị trí đắc địa, tiếp cận mạng lưới đường cao tốc hiện đại ở phía Bắc và tiếp giáp với Trung Quốc, dự án hướng tới đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về sản xuất và lưu kho của các tập đoàn đa quốc gia. “Việt Nam nổi lên là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc di dời chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra. Chúng tôi nhận thấy dư địa tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nhà máy, kho hàng đẳng cấp quốc tế trên khắp cả nước”, ông Lance Li, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW, cho biết.
Lĩnh vực thương mại đang có sự chuyển dịch cơ cấu từ các kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng thương mại điện tử. Ảnh: TL. |
Càng nhiều trung tâm kho vận được đầu tư bài bản, hiện đại đi cùng giải pháp hiệu quả hơn, nền kinh tế sẽ giải quyết được điểm yếu về chuỗi cung ứng, hệ thống kho bãi, cơ sở phân loại, bảo quản, chế biến. Thực tế thời gian qua, việc gián đoạn trong dịch vụ vận chuyển và chuỗi cung ứng, sự thiếu hụt phương tiện vận chuyển hàng hóa và tắc nghẽn đường bộ là những nguyên nhân khiến cho nhu cầu kho vận ngày càng cấp thiết. Từ đó buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi các chuỗi hoạt động cung ứng để thích ứng bằng cách tập trung mở rộng và đa dạng hóa hàng lưu kho và không gian kho vận.
“Trung tâm kho vận Cainiao P.A.T tại Long An đi vào hoạt động đúng thời điểm và chúng tôi tin rằng dự án kho vận này sẽ giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách cung cấp dịch vụ kho vận tối ưu nhất để giúp tăng cường chiến lược quản lý hàng lưu kho của doanh nghiệp”, ông Eric Xu, Tổng Giám đốc Cainiao Smart Hub, nói.
Nghiên cứu của Savills cho thấy thị trường hậu cần Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kể do nền kinh tế đang mở rộng, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử của đất nước. Thị trường vận tải và hậu cần ước tính sẽ tăng trưởng 7% từ năm 2021-2026. Mặc dù đối mặt với thách thức từ đại dịch, nhưng sự bùng nổ thương mại điện tử, tăng trưởng kinh tế tốt, sản xuất trong nước và tiêu dùng gia tăng mang đến những cơ hội thực sự cho ngành này.
Lĩnh vực thương mại đang có sự chuyển dịch cơ cấu từ các kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng thương mại điện tử, đây là động lực thúc đẩy sự chuyển dịch sang các cơ sở và dịch vụ tiếp vận thông minh hơn. Nhưng các đơn vị thương mại điện tử cần nhiều không gian hơn các nhà bán lẻ truyền thống, vì có mức lưu kho cao hơn và khối lượng sản phẩm nhiều hơn, đồng thời cũng cần thêm không gian để chứa hàng hóa bị trả lại.
Theo Agility, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và hậu cần hàng đầu, Việt Nam được xếp vào 1 trong 10 thị trường logistics mới nổi hàng đầu vào năm 2021 nhờ tăng 3 bậc lên thứ 8 trong tổng số 50 quốc gia. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng sau Indonesia và Malaysia.