Thứ Tư | 29/10/2014 08:32

33.000 tỷ đồng xây chuỗi đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài

UBND Tp.Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng chuỗi đô thị dọc hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài.
Theo UBND Tp.Hà Nội, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với cầu Nhật Tân sẽ tạo nên trục đường đối ngoại kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tp.Hà Nội đã lập quy hoạch chi tiết phát triển đô thị hai bên tuyến đường theo hướng đồng bộ, hiện đại. Việc tổ chức đầu tư thực hiện quy hoạch sẽ tạo nên điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng, và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

“Để đầu tư phát triển đô thị, Nhà nước phải xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, đi trước một bước và thực hiện GPMB tạo quỹ đất sạch để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư với tổng kinh phí lên tới 33.000 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Cụ thể, Tp. Hà Nội sẽ phải bỏ ra khoảng 22.200 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống kỹ thuật đô thị trục Nhật Tân – Nội Bài dài 12 km; hệ thống đường giao thông gồm 9 tuyến có chiều rộng mặt đường lên tới 30 – 60 m; xây dựng mới và cải tạo 2 nhà máy bơm; mở rộng, khơi thông, nạo vét, kè: đầm Vân Trì, sông Thiếp, đầm Sơn Du; xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Hải Bối, Sơn Du, Cổ Loa và mạng đường ống nước thải chính; xây dựng mạng lưới cấp điện chính từ các trạm biến áp: E1 Đông Anh, Nguyên Khê, Hải Bối, Vân Nội, Xuân Canh.

Kinh phí GPMB đất sạch phục vụ phát triển các khu đô thị ước khoảng 10.800 tỷ đồng.

Với nhu cầu kinh phí lớn như trên, Tp. Hà Nội khẳng định là ngân sách Nhà nước không có khả năng cân đối nên cần có cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực thực hiện.

Cụ thể, Hà Nội đề xuất phân chia toàn bộ khu vực hai bên đường thành 8 dự án thành phần; mỗi dự án do một chủ đầu tư xây dựng và quản lý.

Phân đoạn I rộng 229 ha gồm 1 khu du lịch nông nghiệp, sinh thái rộng 136,6 ha; 1 công viên công nghệ cao rộng 92,8 ha.

Phân đoạn II rộng 404,7 ha gồm 1 trung tâm trung chuyển, kho vận hàng hóa gắn với một phần thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà rộng 216,7 h; 1 làng văn hóa quốc tế gắn với Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, khách sạn, văn phòng cho thuê và một phần nhà ở rộng 188 ha.

Phân đoạn III rộng 528,8 ha gồm 3 dự án: Đầm Vân Trì, Công viên vui chơi giải trí Kim Quy, Cổ Loa (106,5ha); Khu trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ nhà ở (271,8 ha); Khu đô thị mới (150 ha).

Phân đoạn IV gồm 1 dự án là Khu đô thị nước kết hợp dịch vụ du lịch (218 ha).

Với tính chất là khu vực phát triển đô thị đặc thù, Hà Nội đề nghị cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khung, có đề xuất dự án khả thi, đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế - xã hội; có đề xuất giá tiền sử dụng đất không thấp hơn giá sàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội cũng kiến nghị giao nhà đầu tư thành phần phát triển đô thị ứng vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp trên cơ sở cân đối nguồn thu từ tiền sử dụng đất các dự án phát triển đô thị.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền toàn bộ cho UBND Tp.Hà Nội trong việc thẩm định, phê duyệt và chấp thuận đầu tư đối với các dự án thành phần phát triển đô thị có quy mô từ 20 ha đến dưới 100 ha và từ 100 ha trở lên không phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng”, lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội đề xuất.

Dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện khu vực phát triển đô thị do Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội làm Trưởng ban; các Phó trưởng ban là thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng và một số Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện