160.000 tỷ đồng đầu tư hơn 50 dự án BOT
Cổng TTĐT Bộ GTVT cho biết, chiều ngày 6/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai các dự án BOT chuẩn bị đầu tư.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) cho biết, hiện nay Bộ GTVT đang triển khai chỉ đạo 50 dự án BOT. Trong đó, lĩnh vực đường bộ 37 dự án, hàng không 6 dự án, đường thủy nội địa 3 dự án, đường sắt 3 dự án và hàng hải 1 dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng.
Dự kiến quý II năm nay có thể khởi công 8 dự án, với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Dầu Giây - Phan Thiết, hiện nay Bộ đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai các công việc liên quan.
Đối với việc thu hút tiếp đầu tư vào các dự án đường cao tốc trên hành lang QL1, Thứ trưởng đề nghị phải bổ sung những đoạn như Phan Thiết - Nha Trang; riêng Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu đã hạ quy mô, phân làm hai đoạn, trong đó đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ triển khai luôn theo hình thức BOT, không phải vốn góp nhà nước…
Phụ trách nhiều dự án BOT khu vực phía Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay đang triển khai 11 dự án, thời gian tới tiếp tục nghiên cứu tiếp 15 dự án, trong đó có 10 dự án khả thi, có thể khởi công trong năm nay; 5 dự án còn lại sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện.
Về các dự án BOT khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng các dự án BOT quan trọng nhất là vốn chủ sở hữu, nếu nhà đầu tư nào không được ngân hàng cho vay thì dự án rất khó thành công.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban PPP tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các dự án, để hoàn thiện thành báo cáo tổng thể về các dự án BOT, trong đó bổ sung những dự án đoạn đường cao tốc cần thiết (như Phan Thiết - Nha Trang, Nội Bài - Lào Cai nối Sa Pa…).
Đối với những dự án trước đây đầu tư vốn ngân sách nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ mà phải dừng, hoãn theo Nghị quyết của Chính phủ, hiện nay chuyển sang làm theo hình thức BOT thì không phụ thuộc vào việc quyết toán, phải triển khai thực hiện ngay; đồng thời với việc triển khai theo BOT thì phải nghiên cứu thu phí không dừng.
Nguồn DVO/MT