Thứ Tư | 31/12/2014 19:50

15 công trình lớn khởi công trong năm 2014

Trong năm 2014, nhiều công trình hạ tầng lớn phục vụ phát triển KT-XH đã được khởi công xây dựng trên cả nước.

1/ Khởi công công trình cầu - đường vượt biển dài nhất Việt Nam

Sáng 15/2, tại TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công Dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện với chiều dài toàn tuyến hơn 15,6km. Đây là công trình cầu-đường vượt biển dài nhất Việt Nam và cũng là một trong những công trình cầu, đường vượt biển dài nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại.

Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 11.849 tỷ đồng. Thời gian thi công 36 tháng.

2/ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình

Sáng 22/2, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình công suất 600MW nằm trong Trung tâm Điện lực Thái Bình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) được khởi công xây dựng.

Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức EPC; Tập đoàn Marubeni Corporation (Nhật Bản) làm Tổng thầu. 

Nhà máy có tổng mức đầu tư 1,27 tỷ USD; sản lượng phát điện 3,6 tỷ kWh/năm.

3/ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Ngày 9/3, Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) được khởi công xây dựng.

Nhà máy do Tổng Công ty Phát điện 3 làm chủ đầu tư, triển khai theo hình thức tổng thầu EPC, tổng mức đầu tư hơn 36.700 tỷ đồng.

4/ Khởi công tuyến đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam

Ngày 19/7, Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, tuyến đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam (hiện nay) được khởi công.

Tuyến đường do Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư; là dự án trọng điểm quốc gia; tổng chiều dài toàn tuyến 57,1km; thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc 100km/h. Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) 31.320 tỷ đồng.

5/ Xây dựng tuyến đường Cảng hàng không Thọ Xuân-Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa)

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) theo hình thức hợp đồng BT được khởi công sáng 29/8.

Tuyến đường có tổng chiều dài 65,9km, được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III đồng bằng; tốc độ thiết kế 80km/h; mặt đường rộng 12-19m.

Tổng mức đầu tư 4.598 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành năm 2017.

6/ Xây dựng tuyến cao tốc Thái Nguyên-Bắc Kạn

Sáng 7/9, tại xã Thanh Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công dự án tuyến đường cao tốc Thái Nguyên-Bắc Kạn và nâng cấp, mở rộng QL 3 đoạn Km 75-Km100.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư gần 2.750 tỷ đồng.

Đây là dự án giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc và TNGT trên tuyến QL3 hiện tại và từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Hà Nội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn nói riêng.

7/ Ngày 13/9, tại Quảng Ninh, Dự án đường cao tốc nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) được khởi công xây dựng.

Theo thiết kế, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài 25km, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

Dự án do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nguồn vốn sử dụng ngân sách của tỉnh Quảng Ninh và các nguồn huy động khác với tổng số tiền trên 6.400 tỷ đồng.

Việc hoàn thiện tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hạ Long-Hải Phòng xuống còn 25km (hiện nay là 70km);  giúp cho việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ Quảng Ninh đi các tỉnh khu vực phía Bắc và ngược lại. 

8/ Sáng 12/10, Dự án đầu tư xây dựng công trình QL 1 đoạn tránh TP. Phủ , đồng thời tăng cường mặt đường đoạn qua Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT được khởi công.

Công trình có tổng mức đầu tư 2.047 tỷ đồng, thời gian thi công 27 tháng.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường phù hợp với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

9/ Dự án nhiệt điện đầu tiên do tư nhân đầu tư

Ngày 23/10, Tập đoàn Geleximco tổ chức khởi công Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Nhà máy có tổng công suất 600MW.

Đây là dự án nhiệt điện quy mô lớn đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 627/QĐ-TTg ngày 29/7/2011.

Dự kiến, nhà máy bắt đầu vận hành khai thác vào cuối năm 2017.

10/ Sáng 16/11, Dự án đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa nối QL 1A và QL 47 chính thức khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư  khoảng 7.000 tỷ đồng.

Tuyến đường dài hơn 14,6km, rộng 12m; quy mô cấp III đồng bằng. Chủ đầu tư dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2017.

11/ Ngày 12/12, tại tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng Hệ thống điện phục vụ thi công Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Công trình hệ thống cấp điện là một trong những công trình chính thuộc dự án hạ tầng phục vụ thi công các dự án của nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, đồng thời đảm bảo điều kiện khởi công và cung cấp điện ổn định trong suốt quá trình thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

12/ Xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng

Ngày 13/12, tại Trà Vinh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, công suất 660MW. 

Nhà máy là dự án điện cấp bách được thực hiện theo cơ chế đặc thù tại Quyết định số 2414/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư 22.775 tỷ đồng.

13/  Xây dựng 3 bệnh viện lớn

Sáng 13/12, lễ khởi công xây dựng 2 bệnh viện lớn của Trung ương, gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức-Cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai - Cơ sở 2 với tổng quy mô 2.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được tổ chức tại tỉnh Hà Nam.

Trước đó, ngày 6/12, Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM với 1.000 giường bệnh đã được khởi công. Đây là bệnh viện lớn nhất được đầu tư xây dựng ở khu vực phía Nam từ sau năm 1975.

3 bệnh viện nói trên thuộc Đề án đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cũng là các bệnh viện được đầu tư xây mới và hiện đại nhất từ trước tới nay.

14/ Xây dựng Đại học Việt-Nhật

Ngày 20/12, Lễ động thổ xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật được tổ chức tại Khu Công nghệ cao Láng-Hòa Lạc (Hà Nội).

Đại học Việt Nhật sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2020 với số vốn đầu tư khoảng 365 triệu USD.

Trường Đại học Việt-Nhật với mục tiêu xây dựng một trường đại học tiên tiến, chất lượng cao, hội tụ những tiến bộ trong giáo dục đại học quốc tế vươn tới trở thành một trung tâm đào tạo quy mô, uy tín trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen dự lễ khởi công cầu Long Bình - Chrey Thom ngày 14/1/2014. Ảnh: VGP

15/ Cây cầu biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Sáng 14/1/2014, tại Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hunsen đã dự Lễ khởi công Dự án cầu Long Bình-Chrey Thom, cây cầu nối liền tỉnh An Giang (Việt Nam) với tỉnh Kandal (Campuchia). Đây là công trình giao thông lớn thứ 2 tại Campuchia được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, sau dự án QL 78.

Cầu có chiều dài gần 5,7km,  tổng mức đầu tư 38 triệu USD, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công.

Cầu Long Bình-Chrey Thom sẽ là tuyến đường ngắn nhất nối thủ đô Phnom Penh (Campuchia) tới biên giới Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Nguồn Chính phủ